Ghé thăm ngôi làng có nhiều chùa nhất ở cao nguyên Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thôn Phú An (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) được xem là thôn quy tụ nhiều chùa nhất Việt Nam khi trung bình cứ 40 người có một cơ sở thờ tự, số người tu hành tại gia chiếm hơn 50% dân số.
 
Phương Liên tịnh xứ, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Phương Liên tịnh xứ, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Một ngôi làng (thôn) ở tỉnh Lâm Đồng chỉ với 1.200 nhân khẩu nhưng có đến 80 điểm, cơ sở thờ tự Phật giáo gồm chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường.
Tính trung bình cứ 40 người có một cơ sở thờ tự, số người tu hành tại gia chiếm hơn 50% dân số của thôn. Đây được xem là thôn quy tụ nhiều chùa nhất Việt Nam hiện nay.
Từ Quốc lộ 20 vừa rẽ vào thôn Phú An (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), khách ghé thăm có thể nghe tiếng chuông chùa ngân vang, văng vẳng tiếng gõ mõ, tụng kinh.
Thôn Phú An nằm bên cạnh hồ thủy điện Đại Ninh. Ngày nay, đập thủy điện hùng vĩ này đã trở thành một thắng cảnh đẹp. Vào các dịp lễ, Tết, vùng đất Phú An, Đại Ninh thu hút nhiều du khách thập phương về hành hương, chiêm bái.
Chùa Pháp Vân là một trong những ngôi chùa được xây dựng đầu tiên tại Đức Trọng, tọa lạc trên núi cao, từ đây có thể bao quát cả vùng hạ lưu sông Đại Ninh.
Nơi đây được Giáo hội Phật giáo huyện Đức Trọng tổ chức các đại lễ hằng năm. Đại đức Thích Đạo Thành trụ trì chùa Pháp Vân chia sẻ chùa nguyên là niệm phật đường do Hòa thượng Thích Thiền Tâm thành lập năm 1968.
Từ năm 2009, Đại đức Thích Đạo Thành về trụ trì đã trùng tu, mở rộng ngôi chùa trên diện tích 22.000m2. Chùa có tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên cao 12m được hoàn thiện hơn nửa thế kỷ trước.
Trong khi đó, Vĩnh Minh Tự Viện, ngôi chùa nổi tiếng nhất Phú An tọa lạc trên đồi cao, xung quanh là không gian thoáng mát rợp bóng cây xanh rộng khoảng 10ha.
 
Làng chùa Đại Ninh ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Làng chùa Đại Ninh ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Từ những năm đầu thập niên 1960, các hòa thượng Bửu Lại, Bửu Huệ và Thích Thiền Tâm đã tìm đến núi rừng hoang vu bên bờ sông Đa Nhim này khai sơn, dựng thạch thất để yên tĩnh tu hành.
Sau đó, hòa thượng Thích Thiền Tâm cho xây dựng tu viện và chùa Hương Nghiêm, ngày nay được gọi là Tổ đình.
Chùa Vĩnh Minh Tự Viện được hòa thượng Thích Tâm Thanh (học trò của 3 vị hòa thượng đầu tiên đến Phú An khai sơn) thành lập từ năm 1973, trên ngọn đồi cao bên cạnh chùa Hương Nghiêm.
Ban đầu hòa thượng Tâm Thanh chỉ xây dựng tịnh thất nhỏ để về tịnh dưỡng sau những ngày đi thuyết giảng. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1983, nhận thấy duyên hóa độ có nhiều thuận lợi, ông xây dựng chùa Vĩnh Minh Tự Viện.
Bà Kara Jan K’ Suynh, Phó Chủ tịch xã Phú Hội, cho biết trước ngày đất nước thống nhất, vùng đất Phú An còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, chỉ có vài ba ngôi chùa, thạch thất ẩn mình sau rặng rừng già.
Càng về sau, người dân khắp mọi miền Tổ quốc về đây định cư, lập nghiệp, tạo thành khu dân cư sầm uất với nhiều chùa chiền, tịnh thất, nên Phú An được mệnh danh là "làng chùa."
Cũng theo bà Kara Jan K’ Suynh, hoạt động của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn xã ổn định, chưa phát sinh các vấn đề liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các cơ sở tôn giáo và các tín đồ chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các cơ sở tôn giáo và tín đồ theo đạo thực hiện tốt nếp sống “tốt đời, đẹp đạo” luôn chung tay, góp sức vì sự phát triển của địa phương.
Từ năm 2019 đến nay, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho địa phương 2 căn nhà đại đoàn kết, tặng trên 3.000 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo... Vĩnh Minh tự viện, chùa Pháp Vân, chùa Phú Hội vận động hỗ trợ 6 chuyến xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào thiệt hại bởi lũ lụt vào năm 2020, với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng.
 
Phương Liên tĩnh xá tại làng chùa Phú An. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Phương Liên tĩnh xá tại làng chùa Phú An. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN
Theo ông Trần Thành, Bí thư Chi bộ thôn Phú An, xã Phú Hội, đây là vùng đất không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự luôn bảo đảm. Các tăng ni về đây lập nghiệp, tu hành đều tự lao động sản xuất, trồng cà phê, cây ăn trái để nuôi sống bản thân.
Hầu hết các chùa, tịnh thất đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, gắn bó với chính quyền và Hội Chữ thập Đỏ huyện tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân quanh vùng. Điều đặc biệt nữa là các chùa ở đây luôn mở rộng vòng tay đón nhận trẻ em mồ côi, bất hạnh.
Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng, cho biết bên cạnh công tác quản lý tôn giáo, an ninh trật tự, phối hợp với một số chùa tại “Làng chùa Đại Ninh” trong hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng tại khu vực, Ủy ban Nhân dân huyện đã yêu cầu các phòng, ban, đơn vị liên quan và Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Đó là tiếp tục triển khai tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về đất đai cho các cơ sở tôn giáo nhằm nâng cao tỷ lệ các cơ sở tôn giáo hợp pháp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn các cơ sở tôn giáo về thủ tục đất đai, xây dựng, đảm bảo theo đúng quy định; tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, không để hình thành các cơ sở xây dựng tư nhân thành các điểm sinh hoạt tôn giáo trái phép; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp xây dựng không đúng quy định hoặc sử dụng đất sai mục đích...
Theo Đặng Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm