Kinh tế

Giá cả và chất lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Thân mẫu tôi bị bệnh nặng phải vào điều trị ở bệnh viện H. Vậy là mọi sinh hoạt gia đình gần như thay đổi hẳn: giờ ăn, giờ đi làm, giờ đi ngủ… cũng thay đổi theo! Không thể nấu ăn như ngày trước, nhiều bữa phải mua món điểm tâm sáng, cơm hộp ở quán hoặc mua cơm đĩa ở căng tin bệnh viện. Và không chỉ cơm, nhiều thứ cần thiết khác cũng phải xuống đây mua. Tiếng là căng tin nhưng thực chất đây như một cửa hàng tiện lợi bán đủ các thứ, từ cà phê, sữa, nước ngọt, nước khoáng… cho đến phở, bún, mì… và cơm trưa, cơm chiều, bánh ngọt thậm chí bán cả bỉm, bô nằm...
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gì cũng có nên căng tin hầu như phục vụ mọi nhu cầu của bệnh nhân và cả người nhà. Tuy nhiên, giá cả có phần cao hơn bên ngoài. Chẳng hạn như lốc sữa Ensure nước cao hơn gần chục ngàn đồng; nước yến, bánh ngọt cũng cao hơn ít nhất năm bảy ngàn đồng. Thông thường người mua ít để ý đến giá cả bởi đã vào đây mọi tâm trí hầu như đều dồn vào việc điều trị của thân nhân nên “có đắt hơn chút ít cũng không sao, họ phải đấu thầu để bán căng tin”.

Thế nhưng có thứ không thể không nói, chẳng hạn như thường thì người bệnh ăn được rất ít, gắng nuốt được vài ba muỗng cháo là đã mừng rồi. Tuy nhiên, căng tin chỉ bán cháo với hai mức: 20 ngàn đồng/tô cháo thịt heo và 30 ngàn đồng/tô cháo thịt bò (riêng cháo trắng thì 7 ngàn đồng/chén). Tiếng là tô nhưng thực tế đây là một chiếc hộp nhựa nhỏ đựng chừng hơn một chén cháo. Lượng cháo này nếu ra ngoài mua ở các quán cháo dinh dưỡng giá không quá chục ngàn đồng!

Mua tô phở hay tô bún ở căng tin cũng thế, đều giá 30 ngàn đồng. Trong tô chỉ có ba bốn miếng thịt không hơn, thêm đĩa rau, ớt. Vậy thôi! Có ăn tô phở (bún) trong căng tin bệnh viện mới thấy một số quán điểm tâm nổi tiếng ở Pleiku bán rất chất lượng. Chẳng hạn như quán phở N. ở đường Nguyễn Du: tô nước dùng có nhiều thịt bò, bò viên; tô bánh phở đầy đặn kèm thịt băm nhỏ, thêm đĩa rau, gia vị đầy đủ (ớt, tỏi, tương, tương ớt, xì dầu) và đĩa giá trụng. Vậy mà một tô chỉ 30 ngàn đồng, tô nhỏ thì 25 ngàn đồng! Đến ăn điểm tâm ở quán bún Huế trên đường Hoàng Văn Thụ (giữa Hùng Vương và Wừu) cũng vậy! Tô bún lớn, bên trong đầy đủ giò, thịt bò, chả cua. Đĩa lớn bày đủ các loại rau, thêm gia vị gồm tỏi ngâm, hành ngâm, ớt xanh, tương ớt, tương, mắm ruốc… Một tô chỉ 25 ngàn đồng!

Hàng hóa căng tin như vậy, ai bảo là “tiền nào của ấy”?

2. Thời gian gần đây, người tiêu dùng chuộng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ quy định chất lượng hay vệ sinh an toàn. Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, nhiều sạp hàng kinh doanh thực phẩm sạch đã nhanh chóng mọc lên. Từ quả mướp, bó rau cải, quả thanh long, quả ổi, sầu riêng… cho đến gạo, đậu khuôn, thịt heo đều được dán nhãn mác sạch, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn hơn bình thường để mua cho mình thực phẩm được cho là sạch.

Tuy nhiên, khác với thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay thực phẩm an toàn trong siêu thị, các loại thực phẩm sạch đường phố này chẳng có cơ quan chức năng nào chứng nhận và cũng không ai kiểm tra chất lượng hàng hóa. Đơn cử như thịt heo. Bạn cứ thử đi một vòng các đường phố ở Pleiku như: Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành, Thống Nhất, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Du… sẽ bắt gặp một số sạp hàng thịt heo trưng biển quảng cáo: bán thịt heo sạch (thậm chí có điểm còn ghi là “heo đồng bào”).

Giá loại thịt heo này cũng cao hơn thịt heo trong chợ, mỗi ký thịt ba chỉ hay thịt mông vai cao hơn vài chục ngàn đồng. Thế nhưng nếu hỏi cơ quan nào chứng nhận đây là thịt heo sạch thì người bán chỉ biết lắc đầu cười trừ.

Đúng là kiểu quảng cáo vô tội vạ! Ngành chức năng nên tổ chức kiểm tra các sạp bán thịt heo kiểu này để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng!

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm