Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Ngày 15/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.”
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và phát biểu chỉ đạo.
Hội thảo là dịp tiếp tục khẳng định tầm quan trọng, vai trò của gia đình, dòng họ trong tiếp nối truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập. Qua đó, các đại biểu làm sáng tỏ vai trò học tập của mỗi người dân, gia đình, dòng họ và đề xuất giải pháp đẩy mạnh xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập, gia đình văn hóa góp phần phát huy giá trị văn hóa phẩm chất tốt đẹp con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Hội thảo góp phần cụ thể hóa những định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia-dân tộc.
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng xã hội học tập đã được các cấp, ngành, hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Hội Khuyến học Việt Nam đã phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm phát triển kinh tế tri thức được triển khai tích cực, các gia đình, dòng họ tiếp nhận, hưởng ứng.
Nhiều dòng họ coi việc khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ xuyên suốt để phát huy truyền thống hiếu học của, góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, tích cực dùng tri thức học tập để tạo lập cuộc sống sung túc, hạnh phúc hơn.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan, đoàn thể, gia đình, dòng họ nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, cung cấp nguồn lực con người và giữ vững ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững đất nước.
Mỗi gia đình phải có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho các thành viên trong gia đình để có tri thức, lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, “tế bào” lành mạnh của xã hội, môi trường phát triển toàn diện con người Việt Nam trong tương lai, góp phần phát triển một xã hội hiếu học...
Mọi công dân phải có trách nhiệm với gia đình, xã hội và có quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, cơ quan, đơn vị và mỗi người dân triển khai tốt hơn và xác định khuyến học, khuyến tài là nhiệm vụ thường xuyên trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng gia đình, giáo dục con người Việt Nam.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, dòng họ.
Từ đó, các bên liên quan lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ; mô hình gia đình văn hóa, phong trào thi đua và điển hình tiêu biểu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam… Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan chia sẻ, từ năm 2011 đến nay Trung ương Hội đề nghị và được Chính phủ chấp nhận, giao thực hiện các mô hình học tập, trong đó, có mô hình “Gia đình học tập,” “Dòng họ học tập” nhằm vận động người dân bồi đắp tri thức, xây dựng xã hội học tập để phát triển đất nước toàn diện bằng tri thức.
Quá trình thực hiện các mô hình trên cho thấy, gia đình, dòng họ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục truyền thống, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục, an ninh-quốc phòng... của địa phương, được chính quyền các cấp và xã hội đánh giá cao.
Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, đã đến lúc cần đánh giá toàn diện hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua việc thực hiện các mô hình; quan tâm hơn nữa việc phát triển văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ.
Hội thảo là cơ sở quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học và từ thực tiễn, nghiên cứu lồng ghép sớm mô hình gia đình học tập vào việc bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa,” “Tổ dân phố văn hóa”…