Tôi luôn chờ đợi một sự xê dịch nào đó, trong nhịp bước hay trong ý nghĩ. Mà muốn thỏa nguyện, dễ nhất vẫn là tìm một chuyến đi.
Tôi về thăm lại một nông trại nhỏ nằm gọn trên triền đồi khi ngày vừa tắt nắng. Nói là thăm vì đã từng ghé đến. Phải mất gần 1 năm để sắp đặt cho cuộc hạnh ngộ.
Buổi chiều thẫm vào hoàng hôn cái vẻ huyền hoặc của dải đồi xa. Tôi bắc ghế ra ngồi nghe từng giọt chiều rơi xuống giữa một khoảng không êm lặng đến ngỡ ngàng.
Thật hiếm có buổi chiều nào mênh mông đến thế. Giờ đó, chắc phố đã tan tầm, xe cộ dập dìu khói mắt.
Nơi đây, người làm vườn cũng vừa cất cuốc xẻng vào kho để đón một đêm mát trời sao sa. Không giờ giấc, công việc nào câu thúc.
Như thể ai trong chúng tôi cũng đang ngồi giữa kỳ nghỉ của mình, quên hết những mệt mỏi đường trần để làm kẻ rong chơi. Thảnh thơi và vui thú!
Duyên cớ thế nào mà chuyến này, tôi lại được trồng cây. Một cây phong 2 tuổi được chủ nông trại đem về từ phố. Chúng tôi đào một cái hố không quá sâu, đặt cây xuống rồi rải từng nắm đất đều quanh gốc.
Những động tác chưa quen khiến tôi vui quá, ngỡ mình đang là nông dân tập sự. Bắt đầu từ việc tập cầm cuốc, nhặt lá, tưới cây. Khi lẽo đẽo theo sau người làm vườn đi trồng một cây phong, tôi giữ riêng cho mình một niềm xúc động nhỏ.
Phong đỏ không phải là loài cây thân thuộc như tre nứa, cũng chẳng phải biểu tượng của xứ sở, nước non mình. Nhưng sự gần gũi giữa người và cây có khi chỉ bắt đầu từ một cái tên thôi. Cây phong! Hai cây phong của làng Kurkureu ấy! “Phía trên làng tôi, giữa một ngọn đồi, có hai cây phong lớn” (Aitmatov).
Có ai còn nhớ câu chuyện về người lính phục viên đã tình nguyện về vùng quê hẻo lánh để gieo mầm ánh sáng cho những đứa trẻ đói nghèo, tăm tối? Người thầy ấy đã trồng 2 cây phong non trên đồi xa để sau này có người làng hễ xuống xe lửa đi qua thảo nguyên là dõi mắt kiếm tìm.
Nhìn những thùy lá đỏ sẫm trước mặt mình, tôi cứ tưởng đến ngày kia, bóng cây vươn rợp lên tô điểm cho cả ngọn đồi. Tiếng gió, tiếng chim lại đến. Hay ít nhất trong mùa đông tới, mấy chiếc lá già sẽ đổi màu rồi rụng đi, sang xuân mọc lại, hóa thành lá bùa may mắn cho người biết vun trồng.
Phong đỏ là loài cây tượng trưng cho khát khao hạnh phúc và những cuộc hạnh ngộ dài lâu. Tôi muốn gửi lại cho tuổi trẻ của mình một khoảnh khắc ở nơi đây. Khoảnh khắc lòng tay chạm vào đất ấm qua làn găng mỏng. Khoảnh khắc tôi nhặt chiếc lá úa đầu tiên và tin vào sức sống của chồi nõn.
Mai kia, nếu ngang qua triền đồi thêm lần nữa, tôi cũng sẽ dõi mắt trông về. Thật ấm áp khi người ta neo vào một bóng cây để gìn giữ hình bóng quê hương. Để gặp lại và nhận ra quê hương sau nhiều năm tháng.
Nhà văn Gamzatov từng viết “núi đồi mạnh mẽ và cao thượng”. Tôi không thể chọn núi đồi để sinh ra, nhưng chọn núi đồi để ở lại cũng vì lẽ đó. Đời người lui tới chỉ có duy nhất một bến đỗ bình yên.
Tôi tin vào sự sắp đặt của duyên số. Duyên số của người với người, của đất với người. Như dân miền Đaghenxtan luôn lấy một nhúm đất xát vào mấy ngón tay trước khi lên đường đi xa để quê hương lúc nào cũng ở bên mình. Tôi muốn làm người của thảo nguyên bao la để ngày ngày nghe tiếng gió nối dài vách đá, để thấy vầng trăng lối cỏ không gì là của riêng mình.
Tôi thích sống giữa nông trại của những người làm vườn để nhận ra rằng, làm giàu cho mình nghĩa là đang làm giàu cho quê hương. Lời hát tôi ngân nga trong một đêm trăng ấm bờ vai, xin gửi lại trên ngọn đồi có cây phong đỏ. Tạm biệt để gặp lại vào một ngày nắng tỏa.
“Thời gian là những ngóng chờ”. Tôi về, mang thêm một lời hẹn nối vào ngày vui tới, rằng “nếu em không phiền thì ghé chơi”.