Gia Lai bảo vệ "lá phổi xanh" của Tây Nguyên và Trung Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cao nguyên Kon Hà Nừng ở tỉnh Gia Lai vừa được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Khu Dự trữ sinh quyển trải dài trên diện tích hơn 400.000ha có hệ động thực vật độc đáo, phong phú thu hút khách du lịch khám phá. Chính quyền tỉnh cam kết bảo vệ khu dự trữ này cùng với diện tích rừng rộng lớn trải dài trên 5 huyện và 1 thị xã. 

Thác đẹp giữa rừng Kbang. Ảnh: T.T
Thác đẹp giữa rừng Kbang. Ảnh: T.T
Thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24.5.1932 - 24.5.2022), Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã công bố và trao Quyết định công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng là Khu dự trữ sinh quyển thế giới cho tỉnh Gia Lai.
Tại khu dự trữ, thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ với hàng chục ngọn thác nổi tiếng như thác K50, thác Hang Dơi, thác Kon Lok… Khách du lịch đăng ký các tour vào rừng để được trải nghiệm thác ghềnh, bắn cá, dựng lán trại ngủ giữa rừng nguyên sinh…
Ông Y Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: “Cao nguyên Kon Hà Nừng trải dài trên diện tích hành chính của huyện Kbang, rừng nơi đây đa dạng về giá trị sinh học, được xem như lá phổi của Tây Nguyên, Trung Bộ. Chính quyền mong muốn bảo tồn, giữ gìn màu xanh cánh rừng để thu hút đầu tư du lịch theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, nâng cao đời sống cho người dân”.
Ở huyện Kbang còn có các làng đồng bào của người Jrai, Ba Na với văn hóa cồng chiêng, nghề đan lát, dệt thổ cẩm. Du khách đến để trải nghiệm không gian văn hóa cùng ẩm thực, rượu cần của người đồng bào mến khách.
Không gian phát triển du lịch hòa hợp với thiên nhiên
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, với tiềm năng lợi thế, tỉnh đang đẩy mạnh thành lập các mô hình dịch vụ homestay, farmstay ở huyện Kbang để khai thác thế mạnh của địa phương về văn hóa ẩm thực, văn hóa cộng đồng, tạo sức bật phát triển du lịch.
Theo tổ chức UNESCO, cao nguyên Kon Hà Nừng bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện: Đắk Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đắk Pơ và thị xã An Khê.
Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới, núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn. Khu Dự trữ sinh quyển này có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ của khu vực Tây Nguyên và mà cả khu vực Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.
Sau khi được công nhận, UBND tỉnh Gia Lai cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO nhằm đảm bảo các tiêu chí và chức năng của một khu Dự trữ sinh quyển, biến khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế, kết nối hài hòa giữa du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã trao bằng chứng nhận cho 2 di tích lịch sử-văn hóa vừa được nâng cấp, xếp hạng. Đó là Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá được xếp hạng di tích quốc gia. 
Theo Thanh Tuấn (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/gia-lai-bao-ve-la-phoi-xanh-cua-tay-nguyen-va-trung-bo-1048347.ldo

Có thể bạn quan tâm