Gia Lai: Bị đình chỉ nhưng nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn ngang nhiên hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyện bác sĩ khám bệnh bán thuốc tại phòng mạch tư nhân, hay nhà thuốc không có dược sĩ nhân viên vẫn bán thuốc thì không phải là chuyện lạ. Mới đây, để lập lại trật tự này, ngành Y tế Gia Lai phối hợp tiến hành kiểm tra xử phạt, tịch thu chứng chỉ hành nghề của nhiều cơ sở… nhưng rồi chuyện đâu lại vào đấy, phạt cứ phạt, khám bệnh, bán thuốc vẫn cứ diễn ra công khai.

Hai nhà thuốc vi phạm bị tước chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn kinh doanh. Ảnh: Kiến Huy

Như Báo Gia lai ngày 30-6 đã đăng thông tin: “Tước chứng chỉ hành nghề 49 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực y tế”, theo quy định các cơ sở vi phạm buộc phải ngừng hoạt động trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì hầu hết những nơi bị tước chứng chỉ vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Nhan nhản cơ sở vi phạm

Trong số 165 cơ sở hành nghề dược, khám-chữa bệnh vừa được Thanh tra Sở Y tế kiểm tra mới đây đều có những sai phạm, ngoài việc xử phạt hành chính thì có 49 cơ sở bị đoàn kiểm tra lập biên bản tước chứng chỉ hành nghề (trong đó, 6 cơ sở khám-chữa bệnh; 43 cơ sở hành nghề dược). Ngay sau khi đoàn thanh tra Sở Y tế kiểm tra kết thúc, thì đoàn liên ngành của tỉnh tiếp tục kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở y dược tư nhân. Một điều khó hiểu, việc kiểm tra diễn ra “cấp tập” nhưng các cơ sở vi phạm vẫn hoạt động công khai, riêng cơ quan chức năng lại không hề hay biết?  

Qua ghi nhận vào sáng 2-8, tại địa bàn TP. Pleiku, thị xã An Khê cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh dược bị Sở Y tế tước chứng chỉ trước đó đều đang hoạt động công khai như chưa hề có cuộc kiểm tra, xử phạt nào. Trong đó, một số cơ sở kinh doanh lớn như nhà thuốc Hoàng, Trang trên đường Hoàng Văn Thụ-TP. Pleiku; nhà thuốc Đại Chúng-đường Quang Trung, thị xã An Khê… các nơi này đều vi phạm: người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền hoặc cử người thay thế; bán lẻ thuốc không đáp ứng yêu cầu về bảo quản; người bán thuốc không có hồ sơ lý lịch.

Riêng với các cơ sở khám-chữa bệnh cũng không ít nơi “bất chấp” lệnh của cơ quan quản lý như phòng khám mắt trên đường Cù Chính Lan; nha khoa Quốc Tế đường Lê Lợi-TP. Pleiku; phòng khám Xuân Quyền-huyện Chư Sê… Với việc khám bệnh, bán thuốc dưới mọi hình thức tại phòng mạch bị phát hiện trong thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế đề nghị ra quyết định xử phạt, đồng thời tước chứng chỉ hành nghề trong thời gian 6 tháng và dường như không nơi nào chấp hành lệnh của cơ quan quản lý.
 

Ảnh: Kiến Huy

Ngay trong sáng 5-8, có mặt tại phòng khám tư bác sĩ Anh trên đường Quang Trung-TP. Pleiku, số bệnh nhân chờ khám còn khá đông, số thứ tự điện tử hiện thị ở số 45, lượt người bệnh ra vào đây liên tục. Qua tìm hiểu, một phụ nữ vừa rời khỏi phòng khám cùng với gói thuốc cầm trên tay, chị cho biết: Bác sĩ ở đây, khám xong có nhân viên đưa thuốc luôn, tiền thuốc mấy loại hết 120 ngàn đồng.  

Thuốc nào “trị” bác sĩ

Một điều rất dễ nhận thấy tại các phòng khám tư nhân, người bệnh sau khi khám xong, bác sĩ chìa ra một mẫu giấy nhỏ với vài tên thuốc mà người trong ngành mới hiểu, tờ giấy này sau đó được chuyển đến một nhân viên đứng ở một góc và một “cơ số” với 4-5 loại thuốc khác nhau tùy bệnh được bỏ trong bọc nhựa với hướng dẫn tỉ mẫn (sáng, chiều, tối… mỗi loại/viên…).

Tuy thế, khi về, nếu bệnh chưa thuyên giảm, hết thuốc, nhờ người trong ngành dược để xem thì chắc rằng cũng không ai biết gì về tên thuốc, liều lượng thế nào, thuốc ngoại hay nội, bởi tất cả thuốc đều được bóc trần, niên hạn thuốc còn hay không cũng chẳng ai biết được. Đó là chưa kể đến những loại thuốc kháng sinh thường được các bác sĩ tại phòng mạch tư đưa vào trong số thuốc, chính những viên kháng sinh này là con dao 2 lưỡi đối với bệnh nhân.

Một người trong ngành y cho rằng, lương bổng không đáng vào đâu nên phần lớn các bác sĩ tìm cách mở phòng mạch tư, khám bệnh, còn việc bán thuốc có nhiều lý do để khuyến khích bác sĩ kê toa, cho thuốc, trong đó các yếu tố tác động từ bệnh nhân muốn nhanh gọn, nhiều công ty dược “mời chào” với giá ưu đãi và đây cũng chính là cú hích chính cho bác sĩ khám bệnh, bán thuốc dù biết rằng là sai quy định. Cũng có bác sĩ cho rằng, toa thuốc mình cho ra, nhưng khi nhân viên bán thuốc lại phán ngược thuốc này không đủ liều, chẳng khác nào bác sĩ bị dội nước lã.
 

Người bệnh chờ khám tại phòng khám TP. Pleiku. Ảnh: Kiến Huy

Với nhiều lý do khác nhau, việc khám, bán thuốc, nhà thuốc không có dược sĩ vẫn nhan nhãn diễn ra, mặc cho ngành Y tế địa phương hay cơ quan Quản lý Thị trường có làm hay không. Vậy đâu là liều thuốc đặt trị?

Trả lời về vấn đề này, ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Sở sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề y, dược vi phạm. Với trường hợp tái vi phạm sẽ xử phạt theo hình thức tăng nặng.

Nhằm chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh về lĩnh vực y dược trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua các đoàn thanh kiểm tra liên ngành của tỉnh thường xuyên kiểm tra, xử phạt đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong lĩnh vực này, tuy nhiên với việc kiểm tra, xử lý, phạt tiền, riêng khâu hậu kiểm không mấy quan tâm dễ dẫn đến việc các hộ kinh doanh nhờn luật, điều này chẳng khác nào bệnh nhân kháng thuốc do sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ từ những phòng khám tư.

Kiến Huy

Có thể bạn quan tâm