Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Cải tạo vườn hộ giúp người nghèo vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 1 năm được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ, nhóm cải tạo vườn hộ và nuôi heo địa phương ở buôn Biăh B (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) đã thu được kết quả bước đầu.

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi cùng đoàn kiểm tra của Ban Điều phối Trung ương (CPO) và chuyên gia đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đến nhà chị Nay H’Cuen-Trưởng nhóm cải tạo vườn hộ và nuôi heo địa phương buôn Biăh B (xã Ia Tul). Chị Cuen hồ hởi khoe: Trước đây, khu vườn nhà mình bỏ trống, giờ trồng nhiều rau lang, rau muống và các loại cây khác. Tháng 12-2015, nhà mình cùng 19 hộ khác trong buôn tham gia nhóm cải tạo vườn hộ và nuôi heo. Gia đình mình được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ 3 con heo địa phương và các loại giống rau; đồng thời được hỗ trợ kinh phí để làm chuồng và thức ăn cho heo, cũng như các loại giống và phân bón. Mình mới bán 5 con heo giống và heo thịt được trên 3 triệu đồng; 12 con heo còn lại, mình tiếp tục nhân đàn.

 

Nay H’Cuen-Trưởng nhóm cải tạo vườn hộ và nuôi heo địa phương buôn Biăh B vui mừng khi đàn heo ngày một phát triển. Ảnh. Đ.Y

Điều đáng mừng ở nhóm cải tạo vườn hộ và nuôi heo địa phương buôn Biăh B là khi heo giống đẻ, nhiều hộ đã bán bớt để lấy tiền mua giống vật nuôi khác. Theo chị Ji Na, nhà chị được dự án hỗ trợ 3 con heo giống địa phương, giờ heo đẻ được 15 con. Chị vừa bán 7 con heo giống được 3,5 triệu đồng, bù thêm 1,8 triệu đồng để mua 2 con dê  giống về nuôi. “Mình vui lắm! Heo sinh sản đều đều như thế này thì chỉ ít thời gian nữa nhà mình sẽ có một đàn heo. Gia đình mình sẽ nhanh thoát nghèo thôi”-chị Ji Na chia sẻ.

Tiểu dự án sinh kế cải tạo vườn hộ và nuôi heo địa phương buôn Biăh B được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ cho 20 thành viên với kinh phí trên 80 triệu đồng. Tuy số tiền hỗ trợ không nhiều so với các tiểu dự án sinh kế khác nhưng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Điều quan trọng mà dự án đạt được đó là thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lan tỏa đến nhiều người trong vùng cùng làm theo. Điều này giúp cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.

Anh Nguyễn Chí Vinh-cán bộ hướng dẫn cộng đồng xã Ia Tul (Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ia Pa) cho biết: “Hiệu quả mà nhóm cải tạo vườn hộ và nuôi heo địa phương ở buôn Biăh B đạt được đã mở ra hướng làm ăn mới cho người dân nơi đây. Năm 2016, chúng tôi tiếp tục thực hiện ở các buôn khác, góp phần giúp những hộ nghèo trên địa bàn xã phát triển bền vững”.

Đinh Yến

Tiến sĩ Friederike Mayen-chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhận xét: Tiểu dự án này thực hiện rất tốt. Họ đã biết làm chuồng trại để chăn nuôi, biết chăm sóc heo khi heo bị bệnh, biết làm vệ sinh chuồng trại để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, qua xem sổ tay hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, tôi thấy nội dung quá dài, cấu trúc chưa chặt chẽ nên người dân khó học được. Vì vậy, thời gian tới cần phải thay đổi cách hướng dẫn và sổ tay hướng dẫn cho bà con nuôi heo một cách cụ thể hơn. Dự án mới bắt đầu, tất cả việc hỗ trợ cho người hưởng lợi đều là miễn phí, do đó, cần tuyên truyền cho hộ nghèo biết được vai trò và trách nhiệm của họ khi sở hữu tài sản do dự án hỗ trợ. Họ phải xem đó là tài sản của mình thì hiệu quả dự án mới bền vững được.

Có thể bạn quan tâm