Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Chủ động cập nhật tình hình để phòng tránh thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số cơn mưa trái mùa kèm theo giông lốc. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên thì mùa mưa năm nay sẽ đến sớm hơn so với mọi năm. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên).
* P.V: Xin ông cho biết tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Huấn. Ảnh: Gia Hưng
- Ông NGUYỄN VĂN HUẤN: Mùa mưa tại Gia Lai thường rơi vào khoảng cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 hàng năm, có năm sớm hơn hoặc trễ hơn 10-20 ngày. Tuy nhiên, mùa mưa năm nay sẽ sớm hơn và hiện tại Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đã trải qua những đợt mưa trên diện rộng vào cuối tháng 3. Nếu như năm 2020 và 2021 thì tháng 3 có 2-5 ngày mưa, lượng mưa chỉ 10-20 mm. Song năm nay, trong 10 ngày cuối tháng 3, tại Gia Lai xuất hiện mưa nhiều với lượng mưa từ 60 mm đến 150 mm. Nguyên nhân xuất hiện các cơn mưa là do áp cao lục địa tăng cường nhẹ xuống phía Nam và ảnh hưởng của phía Bắc dãy áp thấp xích đạo gây mưa rào cục bộ một số nơi. Việc xuất hiện mưa thời gian qua đã góp phần giải hạn cho cây trồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong cơn mưa có kèm theo gió lốc đã làm tốc mái một số nhà dân và gãy đổ cây trồng.
* P.V: Vậy nhận định và dự báo diễn biến thời tiết trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Ông NGUYỄN VĂN HUẤN: Theo nhận định, tại Gia Lai, thời điểm bắt đầu mùa mưa phổ biến sớm hơn so với quy luật. Ở khu vực phía Tây tỉnh vào nửa đầu tháng 4, khu vực phía Đông vào nửa đầu tháng 5. Mặc dù mùa mưa đến sớm nhưng lượng mưa năm nay không nhiều và chỉ xấp xỉ trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn. Dự báo vào tháng 4 và 5 mưa có thể nhiều, lượng mưa cao hơn mọi năm nhưng từ tháng 6 đến tháng 9 thì chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn. Nguyên nhân là do dao động khí hậu đang nằm ở pha lạnh La Nina. Pha này kéo dài từ năm 2021 đến khoảng tháng 5, 6 năm nay.
Đối với bão và áp thấp nhiệt đới có thể xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các cơn bão mạnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, trong đó có Gia Lai. Do vậy, chúng ta cần quan tâm theo dõi sát và chỉ đạo công tác phòng-chống thiên tai, giảm thiểu rủi ro. Trên các sông suối vùng phía Tây và trung tâm tỉnh có khả năng xuất hiện 8-12 đợt lũ, đỉnh lũ lớn nhất đạt trên mức báo động 1 và tập trung vào thời kỳ từ tháng 9 đến tháng 11; trên các sông vùng phía Đông và Đông Nam tỉnh xuất hiện 1-3 đợt lũ, đỉnh lũ lớn nhất đạt mức báo động 1 đến báo động 2 và tập trung vào tháng 11.
Nhà người dân trên địa bàn thị trấn Kbang bị gió làm tốc mái. Ảnh: Lê Nam
* P.V: Ông có khuyến cáo gì để chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh thiên tai?
- Ông NGUYỄN VĂN HUẤN: Trong cơn mưa những tháng chuyển mùa khả năng cao xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, sét, lốc, mưa đá nên người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin cảnh báo về thời tiết để có kế hoạch phòng tránh. Dự báo trong các tháng 6, 7, 8, 9, tổng lượng mưa xấp xỉ và có nơi thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Dù vậy cũng cần có những giải pháp chủ động điều tiết, tích, xả nước hợp lý để giữ nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Các ngành, địa phương cần chủ động trong công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là việc dự báo sớm các khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp về thời tiết để cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Bên cạnh đó, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo thiên tai trên địa bàn tỉnh cho Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Báo Gia Lai để cảnh báo cho các ngành, đơn vị biết để chủ động phòng-chống thiên tai có hiệu quả. Phối hợp với các công ty thủy điện thông báo, dự báo kịp thời mưa lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San và sông Ba. Ngoài ra, các ngành, địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh thiên tai của người dân.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
GIA HƯNG (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm