Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covd-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” vào ngày 11-10, Gia Lai đã chủ động triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Trên các lĩnh vực phòng-chống dịch, sản xuất kinh doanh, đời sống đều có giải pháp thích ứng linh hoạt.

Chuyển từ trạng thái “tĩnh” sang “động”, tinh thần của Nghị quyết 128 là “chung sống” an toàn với dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự; thực hiện mục tiêu kép, chuyển sang trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể.

Đánh giá đúng cấp độ, “phủ sóng” vắc xin

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, chỉ trong vòng hơn 1 tháng (1-10 đến 4-11) đã có trên 18.000 người từ vùng dịch về Gia Lai. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 là công dân đi từ vùng dịch về là 1.138 ca/2.008 ca, trong đó có 1.020 ca dương tính mới và 118 ca tái dương tính. Công dân từ vùng dịch về địa phương đông dẫn đến tình trạng quá tải tại các khu cách ly tập trung, số ca F0 tăng nhanh, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 Nhân viên y tế Trung tâm Y tế TP. Pleiku lấy mẫu xét nghiệm người dân tại hẻm 218 Trần Quý Cáp (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính


Trước đây, kinh nghiệm của tỉnh là khoanh vùng dập dịch; thậm chí có giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16, 19, hy sinh phát triển kinh tế để tập trung toàn sức chống dịch. Trong xu thế mở cửa theo tinh thần Nghị quyết 128, công tác phòng-chống dịch chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo đó, chỉ xác định, khoanh vùng phạm vi hẹp để nhanh chóng dập dịch. Giải pháp này giúp tỉnh không lãng phí nguồn lực, đồng thời giảm áp lực lên sản xuất kinh doanh và đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-chia sẻ: Điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết 128 là quy định phân loại dịch theo 4 cấp độ. Theo đó, cấp 1 là nguy cơ thấp hay còn gọi là “bình thường mới”, tương ứng màu xanh; cấp 2 nguy cơ trung bình, tương ứng màu vàng; cấp 3 nguy cơ cao, tương ứng màu cam và cấp 4 là nguy cơ rất cao, tương ứng màu đỏ. “Tại tỉnh Gia Lai, hiện cấp độ dịch toàn tỉnh ở mức 2. Nguyên tắc cơ bản của Nghị quyết 128 là triển khai đánh giá cấp độ dịch đến quy mô cấp xã để hạn chế phong tỏa phạm vi không cần thiết. Ở cấp độ nào thì ứng phó, áp dụng biện pháp phòng-chống theo cấp độ đó, điều chỉnh linh hoạt theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể… nhằm vừa kiểm soát, khống chế dịch bệnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân”-ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại huyện Kbang, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là khi địa phương liên tiếp ghi nhận các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại tổ dân phố 10 (thị trấn Kbang), Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 huyện đã nhanh chóng đánh giá cấp độ dịch tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn để kịp thời triển khai các biện pháp phòng-chống phù hợp. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng cho biết: Sau khi xác định thị trấn Kbang đang ở cấp độ 2, các xã còn lại là cấp độ 1, huyện nhanh chóng triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm bảo đảm mục tiêu kép, không gây ách tắc lưu thông, sản xuất, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nhưng vẫn đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, ngay từ cơ sở. Địa phương cũng thông tin kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh trên địa bàn để người dân nắm bắt, nâng cao cảnh giác, tự giác chấp hành nghiêm biện pháp phòng-chống dịch.

Ban tổ chức chương trình “Tuổi trẻ Gia Lai chung sức vượt qua đại dịch Covid-19”, Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Câu lạc bộ xe bán tải Gia Lai tặng quà cho chốt kiểm soát dịch. Ảnh: Phan Lài


Trong khi đó, qua đánh giá cấp độ dịch bệnh, huyện Phú Thiện xác định xã Ia Piar ở cấp độ 3, xã Chrôh Pơnan cấp 2; 8 xã, thị trấn còn lại ở cấp 1. Ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, địa phương đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 huyện. Theo đó, Bí thư Huyện ủy là Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND huyện là Phó Trưởng ban Thường trực. Sau khi đánh giá tình hình, xác định cấp độ nguy cơ dịch ở các xã, thị trấn, Ban Chỉ đạo huyện đã áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp, hiệu quả trong tình hình mới. “Chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị và sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng-chống dịch nhằm thực hiện mục tiêu kép. Đối với các vi phạm trong phòng-chống dịch, huyện kiên quyết xử lý nghiêm”-ông Ngô nói.

Theo đánh giá của Sở Y tế, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang hết sức phức tạp, nhất là tại TP. Pleiku, các huyện: Chư Sê, Phú Thiện, Kbang. Để thích ứng linh hoạt, an toàn thì cần “phủ sóng” vắc xin phòng Covid-19 càng nhanh càng tốt. Tính đến ngày 1-10, Gia Lai có tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 rất thấp (chỉ 14,4%), nhưng đến sáng 4-11 con số này đã được nâng lên trên 67,88%; phấn đấu tháng 11-2021, tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Theo số liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, Gia Lai là 1 trong 10 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm cao nhất (tính theo số mũi tiêm/số vắc xin được phân bổ theo quyết định). Đây là những con số khả quan, đảm bảo cho cuộc sống “bình thường mới” như kỳ vọng.

“Chung sống” an toàn với dịch bệnh

Cùng với Nghị quyết 128 của Chính phủ, UBND tỉnh cũng ban hành phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Để khôi phục trạng thái “bình thường mới” trong đời sống, UBND tỉnh yêu cầu phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong phòng-chống dịch, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt an toàn; thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa; tăng cường giám sát việc bảo đảm an toàn phòng-chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đảm bảo phương châm “An toàn mới sản xuất và sản xuất thì phải an toàn” theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Với những giải pháp vừa quyết liệt, vừa mềm dẻo nói trên, các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân đang dần thích ứng linh hoạt với tình hình hiện tại.

Được tiêm vắc xin phòng Covid-19, các công nhân Công ty TNHH công nghiệp Quốc Việt an tâm làm việc tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Lam Nguyên

Ông Trần Văn Trong-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh: “Mong rằng các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trẻ Gia Lai nói riêng sẽ bằng nội lực vượt qua mọi thử thách”.
 

Tự tin đưa đối tác đến từ tỉnh Bình Dương đi tham quan vùng nguyên liệu sáng 3-11, chị Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc Hợp tác xã mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho hay: Những vị khách này đều đã có “thẻ xanh” (chứng nhận tiêm 2 mũi vắc xin), test Covid-19 kỹ càng nên không có gì quá lo ngại. Dù vậy, cả chị và đối tác luôn chú trọng thực hiện 5K nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro. Theo chị Trần Thị Hoàng Anh, đến nay, Hợp tác xã thu hút hơn 100 tổ liên kết nuôi ong trong toàn tỉnh tham gia. Vào những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nhân đều mặc đồ bảo hộ, chú trọng khử khuẩn và thực hiện giãn cách trong quá trình chăm sóc đàn ong và khai thác mật.

Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Thùy Dương (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cũng đang áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất. Ông Trần Văn Trong-Giám đốc Công ty-cho biết: Đơn vị chuyên khảo sát, thiết kế, tư vấn, giám sát công trình xây dựng và công trình điện, thủy điện, xây lắp đường dây truyền tải điện... tại nhiều địa phương trong nước với gần 140 công nhân. “Dịch giã nhưng các hoạt động vẫn phải duy trì. Do vậy, Công ty yêu cầu công nhân chấp hành thực hiện 5K, không tiếp xúc với người ngoài công trường. Công nhân nơi khác tới thì phải khai báo y tế, test Covid-19, sau đó mới đưa vào làm việc. Thay vì cho công nhân về thăm nhà 1 tuần/lần, chúng tôi tăng lương hoặc cho họ nhận lương sớm để gửi về gia đình, khuyến khích họ ở lại, tránh việc về địa phương rồi quay trở lại công trường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh”-ông Trong chia sẻ.

Cửa hàng tạp hóa Hồng Nhung (07 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) thay đổi cách thức bán mua để thích ứng an toàn. Ảnh: Lam Nguyên


Với tư cách Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, ông Trong đánh giá: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Dù vậy, đa số doanh nghiệp vẫn linh hoạt thích ứng bằng cách tìm hướng đi mới. Thay vì hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua những hợp đồng lớn, họ đã tìm cách sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Dù giá trị kinh doanh thấp hơn nhưng các sản phẩm này đã góp phần đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Có thể kể đến các sản phẩm có nguyên liệu chính từ sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà như: mít sấy, chuối sấy, hạt điều, mắc ca, tinh dầu sả, nước ép hoa quả các loại...

Những ngày này, dạo quanh các tuyến đường ở TP. Pleiku, dễ dàng nhận thấy hoạt động kinh doanh dần thích ứng với tình hình mới. Đa số cửa hàng tạp hóa lớn đều dựng “rào chắn” bằng cách kê thêm kệ, tủ, hàng hóa trước cửa, khách hàng chỉ đứng bên ngoài mua hàng chứ không trực tiếp vào chọn sản phẩm như trước đây. Cửa hàng tạp hóa, bánh kẹo Hồng Nhung (07 Nguyễn Văn Trỗi) còn dán thông báo với nội dung: “Dịch Covid, xin quý khách thông cảm đứng ngoài quầy, nhân viên sẽ đưa hàng”. Chị Phan Thị Ánh Nhung-chủ cửa hàng-cho hay: Từ khi dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, cơ sở áp dụng cách thức trên để đảm bảo an toàn cho cả người bán và người mua. Nhân viên ngoài thực hiện 5K còn đổi ca, luân phiên làm việc.

Nắm bắt kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh trên địa bàn, người dân đã chủ động lựa chọn giải pháp “chung sống” an toàn với đại dịch.

 

 NHƯ NGUYỆN - LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm