“Không có chuyện tạm dừng vì hết tiền”
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) tỉnh Gia Lai Trần Ngọc Nhung khẳng định, không có chuyện “Cồng chiêng cuối tuần tạm dừng vì hết tiền” như một số báo đã đưa tin. Ông Trần Ngọc Nhung cho biết không trả lời phỏng vấn các báo về nội dung liên quan đến chương trình cồng chiêng cuối tuần, việc đưa thông tin ông nói lên báo là không chính xác.
Các đêm diễn của cồng chiêng cuối tuần luôn thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Minh Châu |
Trả lời lý do phải tạm dừng chương trình, Giám đốc Sở VH-TT và DL cho biết: “Cồng chiêng cuối tuần được khởi sự vào cuối tháng 4-2022 và được duy trì đến giữa năm 2023 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp. Từ cuối tháng 7-2023 đến hết năm 2023, chương trình được Nhà nước hỗ trợ thông qua Dự án 6.
Với ý nghĩa và sức lan tỏa của chương trình, UBND tỉnh khuyến khích duy trì hoạt động này để trở thành sự kiện thường xuyên, góp phần bảo tồn, quảng bá di sản cồng chiêng, đồng thời tạo sức hút, thu hút khách du lịch vào mỗi tối cuối tuần.
Tỉnh Gia Lai đã phân bổ kinh phí cho chương trình hoạt động năm 2024 theo kế hoạch hoạt động hằng năm. Nhưng vì một số lý do, đầu năm 2024 chưa thể giải ngân kinh phí nên chương trình phải tạm dừng. Quan điểm của Sở là làm theo quy định, sử dụng đúng nguồn kinh phí được cấp để chi trả cho các đoàn nghệ nhân biểu diễn trong chương trình”. Theo đó, người đứng đầu Sở VH-TT và DL cho biết, chương trình cồng chiêng sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.
Sau gần 2 năm tổ chức, chương trình cồng chiêng cuối tuần được đánh giá là mô hình bảo tồn tại chỗ hiệu quả, phát huy ý nghĩa to lớn trong việc khuyến khích cộng động gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Theo ông Trần Ngọc Nhung, công tác bảo tồn mang tính chất bền vững phải từ cơ sở. Do đó, sau khi chương trình được tỉnh quan tâm, cấp kinh phí hoạt động, Sở đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để nhân rộng mô hình. Trong đó, tính đến phương án đưa cồng chiêng cuối tuần tổ chức tại một số huyện, thị xã. Trên nền tảng đó, các địa phương sẽ tiếp tục duy trì, tổ chức hoạt động này để nâng cao đời sống cho người dân.
Giám đốc Sở VH-TT và DL cho hay: “Những năm gần đây, tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, đối với nhiệm vụ, nhu cầu phát triển thì nguồn lực vẫn chưa đáp ứng được, chưa có những dự án lớn cho văn hóa-du lịch. Trong điều kiện chung của tỉnh, mỗi ngành, mỗi địa phương đều có trách nhiệm khắc phục khó khăn, để dần đưa văn hóa phát triển ngang tầm với kinh tế như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021”.
Sân chơi cồng chiêng cuối tuần góp phần khuyến khích cộng đồng gìn giữ các giá trị di sản văn hóa. Ảnh: Minh Châu |
Để sớm đưa chương trình cồng chiêng cuối tuần hoạt động trở lại, UBND tỉnh vừa có văn bản số 552/UBND-KGVX nêu rõ: Sự kiện cồng chiêng cuối tuần đã được UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương trở thành sự kiện văn hóa thường xuyên, tạo điểm thu hút giới thiệu quảng bá văn hóa cồng chiêng cho Gia Lai. Đây cũng là nội dung thuộc Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025”, được ngân sách nhà nước đảm bảo và từ nguồn huy động hợp pháp khác từ năm 2023. UBND tỉnh đã giao Giám đốc sở VH-TT và DL tổ chức đánh giá bổ sung các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, đề xuất các nội dung nếu vượt thẩm quyền.
Niềm vui cồng chiêng trở lại
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định, tỉnh luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng ngồi lại lắng nghe khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để tìm hướng giải quyết với mục tiêu chung nhất là phát triển văn hóa, trong đó đối tượng thụ hưởng là Nhân dân.
Không chỉ có cồng chiêng, các đoàn nghệ nhân còn giới thiệu nhiều giá trị đặc sắc như hát dân ca, đàn goong... Ảnh: Minh Châu |
“Chương trình cồng chiêng cuối tuần sau gần 2 năm hoạt động đã khẳng định sức hút của một hoạt động văn hóa, đồng thời có ý nghĩa trong công tác bảo tồn, phát triển du lịch, được người dân, du khách, những người yêu mến văn hóa Tây Nguyên và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đánh giá cao. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT và DL tiếp tục duy trì hoạt động và nâng tầm, làm cho chương trình đặc sắc hơn nữa, có sức lan tỏa mạnh hơn nữa. Những khó khăn liên quan đến chương trình đã được tỉnh chỉ đạo các bên liên quan cùng tháo gỡ để sớm nhất đưa chương trình hoạt động trở lại”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh.
Đây cũng là thông tin vui đối với những người đã dành tình cảm cho cồng chiêng cuối tuần suốt thời gian quan, trong đó có các doanh nghiệp du lịch. Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Cao Nguyên Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Chương trình cồng chiêng cuối tuần đáp ứng nhu cầu cho những du khách có thời gian ngắn nhưng muốn trải nghiệm phong vị văn hóa của người Tây Nguyên. Duy trì hoạt động này ở Quảng trường Đại Đoàn Kết giúp các đơn vị lữ hành có thêm điểm kết nối trong “City tour Gia Lai”, làm cho tour khám phá thành phố cao nguyên hấp dẫn hơn, nhiều trải nghiệm hơn”.
Người dân và du khách giao lưu với các nghệ nhân trong chương trình cồng chiêng cuối tuần. Ảnh: Minh Châu |
Còn ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông du lịch Le Pleiku khẳng định: “Văn hóa cồng chiêng chính là giá trị đặc sắc, thế mạnh cho du lịch Gia Lai. Cồng chiêng cuối tuần đã đánh trúng thị hiếu của khách du lịch, là điểm nhấn trong bức tranh du lịch Phố núi, thu hút khách về đêm vô cùng hấp dẫn. Khác với xem cồng chiêng trong các quán ăn truyền thống “gà nướng cơm lam”, cồng chiêng cuối tuần đặc sắc hơn, sống động hơn, có hồn hơn bởi có đầy đủ các thành phần của một cộng đồng, từ già đến trẻ, từ trang sức đến trang phục. Do đó, tiếp tục duy trì chương trình và nâng tầm lên còn tác động rất lớn đến thị trường khách du lịch. Do đó, cộng đồng làm du lịch rất vui khi chương trình hoạt động trở lại”.