(GLO)- Ngày 19-3, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai do bà Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát về tình hình thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, đất rừng không còn rừng trên địa bàn huyện Chư Prông.
Đoàn đã đi kiểm tra thực tế việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, đất rừng không còn rừng và kết quả trồng rừng tại xã Ia Piơr.
Báo cáo với Đoàn Giám sát, ông Bùi Văn Phụng-Chủ tịch UBND xã Ia Piơr-cho biết: Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng năm 2017 thì diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn xã là 3.160,83 ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 685,95 ha, rừng trồng là 3,72 ha, đất chưa có rừng là 2.471,16 ha. Đến nay, địa phương đã thu hồi được 230,9 ha; tính đến ngày 31-12-2018 đã thực hiện trồng rừng được 59,7 ha, đạt 100 % kế hoạch. Năm 2019, huyện giao chỉ tiêu thu hồi và trồng rừng với diện tích 30 ha, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Đoàn giám sát làm việc với huyện Chư Prông về tình hình thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, đất rừng không còn rừng. Ảnh: Chí Hào |
Theo ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện thì huyện Chư Prông có gần 77 ngàn ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng gần 60 nghìn ha, đất chưa có rừng gần 17 nghìn ha. Từ năm 2017 đến nay, diện tích đất rừng bị lấn chiếm đã kê khai để thu hồi là 1.227,32 ha, đạt 91,7 % kế hoạch. Năm 2017, diện tích trồng rừng của địa phương là 93,35 ha; năm 2018 đã thực hiện trồng rừng với diện tích 211,9 ha. Đồng thời, ông Thông cho biết hiện người dân không mặn mà với việc trồng cây keo lai vì thời gian trồng kéo dài, hiệu quả kinh tế thấp; phần lớn đối tượng lấn chiếm đất rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, mục đích là để canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày nên công tác vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng không được người dân đồng thuận. Ngoài ra, nhiều diện tích đất lấn chiếm đang trồng cây điều nhiều năm tuổi, cho giá trị kinh tế cao nên nếu tiến hành cưỡng chế, chặt bỏ sẽ ảnh hưởng đến an ninh nông thôn.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, bà Ayun H’Bút ghi nhận kết quả mà huyện Chư Prông đạt được. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Chư Prông bổ sung kiến nghị bằng văn bản đưa cây điều vào quy hoạch cây lâm nghiệp để Đoàn giám sát có cơ sở báo cáo cơ quan chức năng. Ngoài ra, huyện cần xây dựng phương án trồng và bảo vệ rừng trồng với tỷ lệ sống cao nhất; tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng khộp đang phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, huyện phải khẩn trương thống kê số liệu người đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn khi chuyển đổi cây trồng để có giải pháp cụ thể, hiệu quả cho từng đối tượng.
CHÍ HÀO