(GLO)- Hôm nay (28-9), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) chính thức khai mạc tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Trước thềm Đại hội, P.V Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về những thành tựu nổi bật của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng, mục tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Hồng Thi |
* P.V: Xin đồng chí cho biết một số thành tựu nổi bật của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015-2020?
- Bí thư Tỉnh ủy HỒ VĂN NIÊN: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020), bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh ta gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và các chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XV đề ra. Nhờ những quyết sách đúng đắn cùng với sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của nhân dân toàn tỉnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đạt được những thành tựu quan trọng; hoàn thành đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết đề ra (trong đó đạt 7 chỉ tiêu, vượt 8 chỉ tiêu).
Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,83%, vượt Nghị quyết đề ra. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.990 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển tương đối đồng bộ, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 5 huyện, thị xã, thành phố và 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, an sinh xã hội, lao động, việc làm... tiếp tục được quan tâm và có chuyển biến tích cực.
Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác phòng-chống tham nhũng được chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và đạt những kết quả tích cực; các vấn đề bức xúc xã hội được quan tâm giải quyết, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng bộ, chính quyền các cấp.
Đồng chí Hồ Văn Niên (bìa trái)-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kbang nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đức Thụy |
Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên được nâng lên; trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 12.648 đảng viên, vượt Nghị quyết đề ra, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 61.069 đồng chí. Các thôn, làng, tổ dân phố trong toàn tỉnh đều có chi bộ; quan tâm bố trí, sắp xếp trưởng thôn là đảng viên và bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đảm bảo dân chủ, khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định; chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát từng bước được nâng lên.
Công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền có nhiều chuyển biến. Hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng cao. Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, có nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả.
* P.V:Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ gì để xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển, thưa đồng chí?
- Bí thư Tỉnh ủy HỒ VĂN NIÊN: Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng-an ninh; năng động, sáng tạo; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên”. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh cần tập trung, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt việc học tập, quán triệt nhằm tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết để lãnh đạo triển khai thực hiện. Lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là 4 chương trình trọng tâm đó là: tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Gia Lai tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với công nghiệp chế biến, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Khách hàng tham quan khu vực chế biến cà phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Nam |
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản, lâm sản xuất khẩu; phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với lợi thế của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Gia Lai trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông-lâm sản của khu vực Tây Nguyên và khu vực 13 tỉnh trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có hệ thống, có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và các trục giao thông đầu mối. Nâng cao chất lượng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, tập trung phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan tâm thực hiện chính sách xã hội, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Chú trọng công tác giảm nghèo bền vững, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh.
Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương trong đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí; vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cơ quan dân cử, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong tham gia phát hiện, tố giác tham nhũng, tiêu cực.
Song song với đó là xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự tiền phong, gương mẫu. Chú trọng chất lượng phát triển Đảng, phấn đấu các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố đều có chi ủy; trưởng thôn đều là đảng viên. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác kiểm tra, giám sát để lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.
Tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” và phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, định hướng dư luận trong nhân dân, không để phát sinh điểm nóng, phức tạp; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động gây mất đoàn kết trong nhân dân.
Với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển”, quyết tâm cao độ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng phát triển.
* P.V:Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRẦN DUNG (thực hiện)