(GLO)- Gia Lai là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), gồm 34 dân tộc anh em, chiếm 44,93% tổng dân số toàn tỉnh (trong đó Jrai chiếm 31%, Bahnar 12,75%, còn lại là các dân tộc khác). Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo còn cao (49.624 hộ, chiếm 82,9% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Trình độ sản xuất của đồng bào DTTS có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp; tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ma lai, thuốc thư còn xảy ra ở một số nơi; tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tuy nhiên tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga” vẫn lợi dụng kích động đồng bào DTTS tham gia chống đối chính quyền, lôi kéo người vượt biên, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đ.T |
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, ngay khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 01-TT/TU, ngày 14-12-2015 về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Đồng thời tăng cường lãnh đạo, quán triệt thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc, các cấp, các ngành tổ chức học tập quán triệt Chỉ thị 49-CT/TW đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS; gắn với kiểm điểm trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách dân tộc. Các cấp ủy Đảng đã ban hành nhiều chủ trương phù hợp; chỉ đạo kiện toàn, củng cố các bộ phận làm công tác dân tộc của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đồng thời tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác dân tộc để đánh giá toàn diện tình hình đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS; sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh...
Các cấp chính quyền trong tỉnh cũng đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Chương trình 135 giai đoạn III (2012-2020) hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, làng đặc biệt khó khăn; các Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013, Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sạch sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn. Đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới...
Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách và lồng ghép thực hiện các chương trình nên kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển nhanh. Đến nay, 100% thôn, làng với 96% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn, làng được phủ sóng phát thanh, truyền hình và sóng điện thoại di động; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông; 60% thôn, làng văn hóa; 88,9% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trung bình hàng năm giảm 3-4%, hiện còn 19,71% (theo tiêu chí mới). Chất lượng giáo dục được nâng lên, 100% xã được phổ cập giáo dục THCS; 136/222 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 80% trạm y tế xã có bác sĩ, bình quân 7,25 bác sĩ/1 vạn dân; công tác phòng-chống dịch bệnh được chú trọng, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12-3-2013 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc; quan tâm công tác vận động đồng bào DTTS tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác vận động quần chúng. Triển khai nhiều biện pháp đấu tranh với những đối tượng lợi dụng chính sách dân tộc để hoạt động chống phá; đấu tranh, triệt phá các tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga”, tà đạo “Hà Mòn”... góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để nhân dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, các chương trình, dự án góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho vùng đồng bào DTTS. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới phương thức, đa dạng hóa hình thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể để tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên là người DTTS vào tổ chức. Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận của Đảng, nhất là cán bộ chuyên trách, tham mưu về công tác dân tộc. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” vùng đồng bào DTTS nhằm phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong giai đoạn hiện nay...
Ánh Hồng