Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Đổi mới công tác đấu thầu thuốc theo hướng công khai, minh bạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Y tế Gia Lai đang tổ chức đấu thầu thuốc theo hình thức mới dựa trên Thông tư 11/2016/TT-BYT của Bộ Y tế với kỳ vọng sẽ có được mặt hàng thuốc với chất lượng tốt, giá hợp lý để cung ứng cho các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh.

Đấu thầu theo hình thức tập trung

Theo bác sĩ Trần Duy Linh-Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, từ năm 2012, cả nước đấu thầu thuốc dựa trên Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế-Bộ Tài chính. Tuy nhiên, sau một vài năm thực hiện thông tư nói trên thì bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, từ năm 2013, Sở Y tế đã tổ chức các kỳ đấu thầu dựa trên việc lựa chọn danh mục thuốc cần cho các cơ sở y tế tuyến huyện, thị xã và thành phố, sau đó giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh-đơn vị sử dụng thuốc nhiều nhất trong toàn tỉnh (khoảng 50% lượng thuốc) tổ chức đấu thầu. Sau khi đấu thầu thành công, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức đấu thầu lại một lần nữa với các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố để tiến hành ký hợp đồng cung ứng thuốc. Điều này gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đấu thầu thuốc.

 

Hội đồng đấu thầu tập trung phê duyệt hồ sơ đấu thầu. Ảnh: N.T

Để khắc phục hạn chế, vướng mắc, năm 2017, cả nước tiến hành đấu thầu thuốc tập trung dựa trên Thông tư 11/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Đây là hình thức đấu thầu dựa trên việc các hãng dược sẽ cùng đấu thầu một loại thuốc với mức giá khác nhau. Các cơ sở điều trị bệnh lựa chọn mặt hàng đơn vị mình có nhu cầu với chất lượng tốt nhất, giá hợp lý nhất. Điều này đòi hỏi các nhà thầu không những cạnh tranh về giá cả mà còn phải cạnh tranh về chất lượng thuốc.

Theo hình thức đấu thầu này, với một loại thuốc cùng nhà sản xuất, cùng hoạt chất có mặt trên thị trường cả nước sẽ có chung một mức giá và sẽ không còn tình trạng chênh lệch giá thuốc khi đến tay người bệnh. Bên cạnh đó, hình thức đấu thầu thuốc tập trung cũng sẽ hạn chế tối đa tình trạng đẩy giá thuốc lên cao do đi qua nhiều khâu trung gian. “Năm 2017, Sở Y tế tiếp tục giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức đấu thầu thuốc dựa trên hình thức mới. Các đơn vị tuyến huyện, thị xã và thành phố sẽ báo cáo danh mục thuốc cần sử dụng để thống nhất danh mục chung cho toàn tỉnh. Sau khi thống nhất được danh mục thuốc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ trình lên Sở Y tế và UBND tỉnh phê duyệt danh mục. Trên cơ sở đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đại diện cho 36 đơn vị y tế trong toàn tỉnh tiến hành tổ chức đấu thầu”-bác sĩ Trần Duy Linh cho biết.

Năm nay, Hội đồng đấu thầu thuốc tập trung của tỉnh sẽ có hơn 50 thành viên được trưng tập từ các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã và thành phố. Sở Y tế và Bảo hiểm Xã hội tỉnh tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát, thẩm định nhằm đảm bảo chặt chẽ về quy trình để đảm bảo tính công khai, minh bạch của tổ đấu thầu. “Đến nay, Hội đồng đấu thầu thuốc tập trung đã xem xét xong hồ sơ kỹ thuật và chuẩn bị xét hồ sơ tài chính của các đơn vị gửi hồ sơ đấu thầu. Chúng tôi cố gắng đến hết tháng 9 sẽ hoàn thành việc đấu thầu thuốc”-Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Duy Linh cho biết thêm.

Cần có hội đồng thẩm định chuyên trách

Từ năm 2013 đến nay, nhu cầu sử dụng thuốc của bệnh nhân tăng cao. Thực tế đó đòi hỏi việc xây dựng danh mục cũng phải đa dạng, ổn định để đáp ứng đủ mặt hàng. Mỗi một chu kỳ đấu thầu kéo dài 6-8 tháng. Thông thường, đến thời kỳ “giáp hạt”, nhiều cơ sở điều trị bệnh sẽ rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Theo đó, các đơn vị sẽ phải chia sẻ khó khăn với nhau trong khi chờ đợt đấu thầu tiếp theo.

Khi áp dụng hình thức đấu thầu mới, Hội đồng đấu thầu thuốc của tỉnh sẽ lựa chọn các đơn vị gửi hồ sơ đấu thầu thuốc để xác định năng lực tài chính và hồ sơ kỹ thuật. Trên cơ sở đó, các cơ sở y tế có nhu cầu mua thuốc sẽ ký kết hợp đồng trực tiếp với nhà thầu đã được lựa chọn. Sở Y tế sẽ giám sát việc đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc theo số lượng và tiến độ ghi trong hợp đồng đã ký với từng cơ sở y tế để bảo đảm cung ứng đủ thuốc.

Theo bác sĩ Trần Duy Linh, do chưa có hội đồng thẩm định chuyên trách nên Sở Y tế vẫn tiếp tục giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức đấu thầu thuốc. Đơn vị này thành lập tổ chuyên gia tiến hành các bước từ xét duyệt hồ sơ đến tổ chức đấu thầu. Các bước đều đòi hỏi một số lượng lớn cán bộ chuyên môn, chuyên trách. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực phục vụ công tác tại  các bệnh viện, trung tâm y tế. Nguyên nhân là vì Sở Y tế không có nhân lực chuyên trách cho đấu thầu, trong khi quy định mới không cho phép có thêm biên chế, dẫn đến chưa thành lập được đơn vị mua sắm tập trung cấp tỉnh. Đây đang là điểm bất cập cần được tháo gỡ để thống nhất hình thức đấu thầu thuốc ở tỉnh ta.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm