Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai hòa chung niềm vui 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 60 năm trôi qua kể từ ngày chiến dịch Điện Biên toàn thắng, đối với cả dân tộc ta, đặc biệt là những người từng là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ký ức hào sảng về một thời hoa lửa vẫn vút ngân, đẹp như một khúc tráng ca. Sáng 7-5, trong không khí toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trang trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử này, những người dân của mảnh đất Gia Lai đầy nắng và gió cũng đón chào sự kiện trọng đại này trong niềm vui, niềm tự hào khôn tả.


“Vinh dự là chiến sĩ Điện Biên”

Từ rất nhiều ngày nay, ông  Đoàn Văn Trang (sinh năm 1930, hiện ở tổ dân phố 2, phường Trà Bá, TP. Pleiku) luôn dành phần lớn thời gian để đọc báo và xem các chương trình ti vi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ trong niềm tự hào khôn xiết. “Không tự hào sao được khi tôi cũng là một người lính, hơn thế, còn là chiến sĩ Điện Biên”-ông trang nói trong niềm phấn khởi. Thì ra, ngay từ những ngày cuối tháng 1-1954, ông Trang đã cùng đồng đội (đơn vị Công binh HT 31246, Thái Nguyên-N.V) tham gia mở đường, làm cầu, chống lầy, san lấp hố bom, rà phá bom mìn, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ cho chiến dịch.

 

Ông Trang và gia đình đang xem chương trình truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh Thu Huế

Hôm nay, ngồi trước chiếc ti vi, xem trực tiếp Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ qua sóng truyền hình, lâu lâu ông Trang lại nhắc đến phà Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi, Hát Lót, Nà Sản, đèo Pha Đin, Tuần Giáo-những địa danh đã gắn với đơn vị ông trong suốt những ngày tham gia chiến dịch. Giọng ông Trang chan chứa tự hào: “Tôi vẫn còn nhớ như in cái lần làm đường ngầm cho xe đi qua cầu Yên Châu bị giặc phá.

Gian khó, vất vả là thế nhưng anh em chúng tôi không lúc nào thiếu vắng tiếng cười. Lần mở đường tắt từ Tuần Giáo đi Mường Phăng cũng thế. Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định mở con đường tắt, dài 15 km này là để thay thế cho con đường chính (đường 41) dài tới 83 km, nếu đi con đường chính này sẽ tốn nhiều thời gian, công sức. Trong khoảng thời gian 1 tháng, với sự tham gia của nhiều đơn vị, đường từ Tuần Giáo đi Mường Phăng được hoàn thành trong niềm vui chung của tất cả mọi người.

Niềm tự hào của người lính


Một trong những hoạt động của các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tổ chức trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên là bố trí thời gian, công việc để tổ chức cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc xem truyền hình trực tiếp buổi lễ trọng này. Ở các đơn vị quân đội mà P.V có mặt, chúng tôi đều cảm nhận được không khí trang nghiêm, xúc động, nhiều hơn cả là niềm tự hào được thể hiện trên từng ánh mắt của những người lính hôm nay.

 

Các chiến sĩ Tiểu đoàn 1-Trung đoàn 48-Sư 320 chăm chú theo dõi qua màn hình ti vi. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với P.V, Đại uý Trần Thế Tùng-Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Sê cho biết: “Chúng tôi luôn tự hào khi khoác trên vai màu áo lính, tự hào là những người tiếp nối và làm rạng danh truyền thống hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hôm nay, khi xem những thước phim về chiến thắng Điện Biên, chúng tôi càng thêm cảm phục sự chiến đấu quả cảm, sự anh dũng hi sinh của lớp lớp cha anh, cảm phục tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-người anh Cả của chúng tôi…”.

Với các chiến sĩ của Tiểu đoàn 1-Trung đoàn 48-Sư đoàn 320, Binh đoàn Tây Nguyên thì ngay từ sớm ngày 7-5, cả đơn vị đã nhanh chóng tập trung tại phòng truyền thống để theo dõi buổi truyền hình trực tiếp Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến sĩ Phạm Minh Chiến-Đại đội 4 chia sẻ: "Hôm nay được xem Lễ diễu binh, diễu hành hoành tráng và trang trọng này khiến tôi cảm thấy rất đỗi vinh dự vì được khoác lên màu áo lính, được làm người Bộ đội cụ Hồ. Tôi cảm thấy tự hào vì những gì ông cha ta đã dũng cảm, mưu lược để chiến thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh trong trận Điện Biên Phủ. Đây là một chiến thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn mà những người lính chúng tôi sẽ không bao giờ quên để tự dặn mình sẽ ngày càng học tập, phấn đấu, huấn luyện thật vững chắc để xứng đáng với công lao của những người đi trước, để góp phần vào công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh".

Thượng úy Bùi Mạnh Kiên-chính trị viên Tiểu đoàn 1-Trung đoàn 48 cho biết: "Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn đã tăng cường huấn luyện, giáo dục tư tưởng cho chiến sĩ thấm nhuần truyền thống hào hùng của quân và dân ta trong chiến thắng này. Đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động truyên truyền qua loa truyền thanh, cho các chiến sĩ xem các chương trình qua ti vi, đọc sách báo tại phòng truyền thống cũng như tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ về chủ để 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó đã xây dựng cho các chiến sĩ một động cơ quyết tâm cao với ý thức trách nhiệm để sẵn sàng xử lý các tình huống trong tình hình mới".

Vang mãi bài ca chiến thắng

 

Gia đình chị Phạm Thị Hà đã sắp xếp công việc để cùng đón xem Lễ diễu binh, diễu hành. Ảnh: Văn Ngọc

Đón chờ ngày lễ trọng này của dân tộc, đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng háo hức đón xem chương trình truyền hình trực tiếp qua sóng truyền hình. Chị Phạm Thị Hà-thôn 2 xã Biển Hồ (TP. Pleiku) chia sẻ: "Tôi thường xuyên xem các chương trình thời sự nên biết được sáng nay ti vi sẽ truyền hình trực tiếp Lễ diễu binh, diễu hành để kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua chương trình này, tôi thấy càng thêm tự hào về ý chí kiên cường của cha ông và sức mạnh quân sự của quân và dân ta. Tôi tin rằng với truyền thống ấy thì dân tộc ta sẽ đứng vững trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay".

Ông Nguyễn Hữu Thành-tổ dân phố 12, phường Tây Sơn (thị xã An Khê) cũng dành những lời xúc động nhất cho buổi lễ: “Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được Đảng và Nhà nước tổ chức thật lớn và ý nghĩa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử của chiến thắng này. Tôi đặc biệt ấn tượng về những thước phim tư liệu ghi lại thời khắc lịch sử quân ta tiến đánh căn cứ địa của Pháp. Khâm phục trước sức chiến đấu phi thường của quân và dân ta, chỉ với những phương tiện thô sơ lại có thể đánh thắng một đế quốc hùng mạnh với đủ thứ vũ khí và phương tiện hiện đại. Những thước phim đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc ở mỗi người. Nhất là có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống anh dũng bất khuất của cha anh. Tôi tin thế hệ trẻ trong cả nước nói chung và Điện Biên nói riêng, qua sự kiện này sẽ có thêm động lực để phấn đấu, có ý thức tự tôn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh”.

Hòa trong mạch xúc cảm ấy, là người đã từng đến thăm chiến địa Điện Biên cách đây hơn 40 năm, ông Phạm Văn Hoa-Cựu chiến binh phường Tây Sơn (thị xã An Khê) như không giấu được niềm xúc động của mình khi chia sẻ cùng chúng tôi những lời gan ruột: “Xem tin tức về Điện Biên Phủ mấy hôm nay trên các phương tiện thông tin, nhất là chương trình truyền hình trực tiếp từ Điện Biên trên truyền hình sáng nay, tôi thấy bồi hồi khôn tả.

Những ngày này, tâm trí tôi như sống hoàn toàn với Điện Biên Phủ, nơi mà tôi đã đến cách đây gần 50 năm (năm 1965), tôi đã đi hầu hết các nghĩa trang, từng khóc trước những phần mộ không có tên, từng ân hận vì chưa đến được Mường Phăng-chỉ huy sở của chiến dịch Điện Biên Phủ với hình ảnh “người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam” Võ Nguyên Giáp bên chiếc ống nhòm… Những năm đó, hình bóng cuộc chiến 9 năm trường kỳ gian khổ vẫn còn in hằn với bao nhiêu chứng tích: xác máy bay, những hố bom, những hầm hào công sự ngổn ngang… Hơn 40 năm không quay lại Điện Biên, xem truyền hình thấy Điện Biên hôm nay đổi thay nhiều quá.

Không ít lần tôi thấy cổ họng nghẹn lại vì xúc động khi xem những hình ảnh về Điện Biên Phủ trên truyền hình sáng nay. Sau 60 mùa Xuân chiến thắng, Điện Biên đã có sự phát triển vượt bậc, cánh đồng Mường Thanh đầy xác máy bay năm nào giờ đã không thể nhận ra bởi màu xanh bát ngát. Và, bài ca của chiến thắng lẫy lừng ấy mãi vang xa…”.

Thu Huế-Lê Ngọc-Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm