(GLO)- Để làm một phép tính so sánh về diện mạo Gia Lai của ngày hôm nay so với những năm đầu giải phóng trở về trước, chúng tôi đã có cuộc hành trình tìm về những câu chuyện kể của những người sống lâu năm trên mảnh đất này. Và ở mỗi nhân vật có một cảm nhận về Gia Lai xưa và nay.
* Bà Rơ Chăm HYéo-Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh: Điện thắp sáng đều khắp buôn làng
Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in về thời gian từ 1975 đến 1985, cả tỉnh chỉ có một máy phát điện (nằm ở Điện lực ngày nay và sau đó dời ra xã Biển Hồ) nên chỉ đủ cung cấp điện thắp sáng và làm việc cho một số cơ quan. Hồi đó mỗi ngày chỉ được dùng điện từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối. Còn người dân có mơ cũng không dám nghĩ nhà mình sẽ có điện thắp sáng. Mọi sinh hoạt đều diễn ra dưới bóng đèn dầu. Vậy mà nay nhà ai cũng có điện để thắp sáng và họ biết sử dụng điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất…
Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đức Thụy |
Trước đây, hầu như người đồng bào vùng sâu, vùng xa không có phương tiện tham gia giao thông, họ chủ yếu là đi bộ lên nương rẫy sản xuất, ít giao thương với bên ngoài. Nay hệ thống đường giao thông về đến tận vùng sâu, vùng xa. Các tuyến đường liên thôn, liên xã đều có. Xe đạp, xe máy được sử dụng phổ biến trong mọi gia đình. Đó là nhờ sự phát triển về kinh tế nên đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Việc học con chữ của người già, trẻ em được quan tâm hơn. Thêm vào đó trường học được xây dựng về tận cơ sở nên bây giờ ở vùng sâu, vùng xa, ai cũng biết đọc, biết viết, và nói tiếng phổ thông nên nhờ đó họ đọc được báo, nghe đài, xem ti vi để nắm bắt các thông tin trong và ngoài nước, biết rõ hơn về các ngày lễ của dân tộc mà chỉ vài chục năm trước đây, họ không hề biết đến những điều đó.
Cũng qua các phương tiện truyền thông này mà đồng bào mình biết cách học hỏi và áp dụng kinh nghiệm vào sản xuất, nâng cao năng suất sản xuất cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó dịch vụ y tế ngày ngày phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Ngày nay, Gia Lai đã có Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Quân y 211, hàng trăm bệnh viện lớn nhỏ và các trạm y tế tại các huyện, xã. Đội ngũ bác sĩ có trình độ cao (thạc sĩ, chuyên khoa cấp II).
* Ông Nguyễn Hữu Khuê-Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh: Thành phố Pleiku phát triển cả bề rộng và chiều sâu
Tôi đã sống 47 năm trên mảnh đất Gia Lai này và đã chứng kiến sự đổi thay của tỉnh so với những năm đầu giải phóng về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và cơ sở hạ tầng. Trước đây, thị xã Pleiku chỉ có phường Diên Hồng, Hội Phú, Hội Thương, Hoa Lư, Yên Đổ, nay thị xã Pleiku đã được nới rộng ra các vùng lân cận với 14 phường và 9 xã. Nhờ vậy mà bộ mặt thành phố đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Từ một thị xã Pleiku nghèo nàn, ảm đạm, từ trên cao nhìn xuống trắng xóa một màu mái tôn nay đã trở thành một thành phố khang trang với hàng ngàn các căn nhà cao tầng mọc lên san sát.
Từ một thành phố đổ nát sau chiến tranh với lưa thưa một vài điểm vui chơi, giải trí nay khắp thành phố mọc lên các khu vui chơi, giải trí nhộn nhịp như Công viên đồng xanh, công viên Diên Hồng, nhà văn hóa, khu vui chơi của trẻ… Theo đó các khu công nghiệp và trung tâm mua bán, giao dịch mọc lên khiến cho thành phố trở nên năng động và sầm uất. Việc quy hoạch phù hợp cũng mang đến cho Pleiku một diện mạo tươi mới và năng động, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh nhà.
Đó là một thành phố có quy hoạch đồng bộ, có đại lộ, có các tuyến đường chính, hệ thống cây xanh được phân bố khá đều với những cây xanh mang màu sắc bản địa như thông… TP. Pleiku đang xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh.
Hồng Thương