Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Không để tồn mẫu xét nghiệm gây chậm trễ cho việc truy vết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 26-7, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai có về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.



Sáng 25-7, ngay sau khi kết thúc cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đã tổ chức cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại cuộc họp trên. Dự họp có các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo Covid-19 tỉnh, các tổ chuyên môn, giúp việc Ban Chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Như Nguyện


Qua đánh giá tình hình thực tế thời gian gần đây khi bắt đầu phát sinh ca dương tính tại TP. Pleiku, nghe báo cáo của các thành viên dự họp, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch có ý kiến kết luận và giao các ngành triển khai kịp thời các nhiệm vụ sau:

Về công tác truy vết: Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Gia Lai) tiếp tục khai thác các nguồn tin, bám địa bàn, đối tượng, khẩn trương truy vết kịp thời, chính xác, cung cấp danh sách đối tượng có liên quan cho CDC Gia Lai triển khai lấy mẫu xét nghiệm. Kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình truy vết, nếu chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng-chống dịch thì có đề xuất tập huấn lại để tăng cường năng lực hoạt động cho lực lượng này. Trường hợp trong truy vết nếu phát hiện cán bộ, đảng viên khai báo y tế, dịch tễ không trung thực, gây ảnh hưởng cho công tác phòng-chống dịch thì yêu cầu các địa phương chấn chỉnh và kịp thời khắc phục. Trường hợp xác định có sai phạm thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Trong công tác lấy mẫu, xét nghiệm: Sở Y tế chỉ đạo CDC Gia Lai và các trung tâm y tế phân công rõ nhiệm vụ trong công tác lấy mẫu, vận chuyển mẫu và xét nghiệm kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ cấp bách trong chống dịch, không để xảy ra chậm trễ. Yêu cầu CDC Gia Lai khi đã tập hợp đủ thông tin và lượng mẫu thì tiến hành chạy mẫu xét nghiệm và thông báo kết quả xét nghiệm ngay, không để tồn mẫu xét nghiệm gây chậm trễ cho việc truy vết.

Đối với việc vận chuyển công dân đến các khu cách ly tập trung, vận chuyển hàng hóa thiết yếu khi có tình huống khẩn cấp: Giao Sở Giao thông-Vận tải phối hợp Sở Y tế, UBND các địa phương thiết lập và vận hành có hiệu quả. Trong  hỗ trợ cho các lực lượng tại chốt kiểm dịch, Công an tỉnh lập danh sách để đề xuất hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị phòng-chống dịch, nhu yếu phẩm cho các lực lượng liên quan làm nhiệm vụ tại các chốt, nhất là tại chốt kiểm dịch tại khu vực cầu 110, nơi tiếp nhận lưu lượng người về đông, phức tạp trong quá trình thực hiện khai báo y tế, test nhanh và đưa người đi cách ly kịp thời. Hướng dẫn các lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ nghiêm ngặt về công tác phòng-chống dịch.

Về công tác phòng chống dịch tại TP. Pleiku: Giao Sở Y tế làm việc trực tiếp với Trung tâm Y tế thành phố để hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể, chấn chỉnh các thiếu sót, chậm trễ trong công tác phòng-chống dịch. Trung tâm Y tế thành phố tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch TP. Pleiku để chỉ đạo triển khai kịp thời.

Chế độ thông tin báo cáo: Sở Y tế, các thành viên Ban Chỉ đạo duy trì chế độ báo cáo trực tiếp cho Thường trực Ban Chỉ đạo Covid tỉnh khi phát sinh tình hình mới, khi có yêu cầu, và định kỳ theo quy định (lúc 17 giờ hàng ngày); đồng thời tham mưu đề xuất tăng cường kiểm tra hoạt động phòng-chống dịch tại các địa phương, đơn vị, CDC Gia Lai.

 

KIỀU PHAN

 

Có thể bạn quan tâm