(GLO)- Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp như sắp xếp trường lớp, sáp nhập trường, giảm điểm trường…nhưng ngành giáo dục tỉnh Gia Lai vẫn đang gặp khó khăn do thiếu giáo viên đảm bảo chất lượng dạy và học, nhất là ở bậc học mầm non.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, số giáo viên còn thiếu so với biên chế được giao đến hết năm học 2017-2018 là 1.608 giáo viên; trong đó, bậc mầm non thiếu 1.394 giáo viên, tiểu học 53 giáo viên, trung học cơ sở 161 giáo viên. Tiêu biểu như TP. Pleiku thiếu 269 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu 145 giáo viên, tiểu học thiếu 82 giáo viên và trung học cơ sở thiếu 42 giáo viên. Huyện Mang Yang hiện thiếu 214 giáo viên, trong đó bậc mầm non thiếu 142 giáo viên, số giáo viên thiếu còn lại ở bậc tiểu học và Trung học cơ sở. Huyện Ia Pa thiếu 74 giáo viên mầm non...
Bà Bùi Thị Minh Khang- Hiệu trưởng Trường Mầm non Thủy Tiên (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho biết: Năm học 2018-2019, trường được giao 12 biên chế giáo viên và hiện có 10 lớp học mầm non bán trú. Theo quy định tại Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, đối với các lớp mầm non bán trú phải bố trí đảm bảo đủ 2,2 giáo viên/lớp. Do đó, trường đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy học.
Hình minh họa. Ảnh: Đức Thụy |
Trường Mầm non Sơn Ca (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) là điểm trường khó khăn nhất của huyện Ia Pa. Bà Hoàng Thị Bảy- Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca cho biết: Trường được giao 11 biên chế giáo viên và hiện đang có 13 lớp. Sau khi tiến hành sắp xếp lớp học, có lớp sĩ số hơn 50 học sinh. Hiện trường vẫn thiếu 15 giáo viên so với nhu cầu. Từ trung tâm đến các điểm trường làng phải qua quãng đường cả chục km, trong khi lương giáo viên hợp đồng trung bình khoảng 2,7 triệu đồng/tháng gần như chỉ đủ tiền xăng, xe.
Ông Phạm Văn Đức-Trưởng phòng GD và ĐT huyện Ia Pa cho biết thêm: huyện đang còn 39 biên chế giáo viên được giao chờ tuyển dụng. Để đảm bảo nhiệm vụ dạy và học, huyện đang thực hiện hợp đồng giáo viên trong biên chế được giao đối với các lớp mầm non từ 4-5 tuổi. Đối với các lớp từ 3 tuổi trở xuống, nếu phụ huynh có nhu cầu thì tiến hành xã hội hóa, hợp đồng thêm giáo viên. “Sắp đến khi tỉnh tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên, huyện sẽ đăng ký tuyển hết số lượng biên chế được giao. Tuy nhiên số giáo viên tuyển mới này vẫn thiếu so với nhu cầu địa phương”-ông Đức nói.
Làm việc với P.V, ông Bùi Vạn Tuế-Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD và ĐT cho biết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh đang rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, quy định hiện hành không cho phép hợp đồng giáo viên ngoài biên chế được giao. Do đó, ngành giáo dục đang phải thực hiện tăng tiết đối với giáo viên. Tuy nhiên, việc này lại rất tốn kém kinh phí để trả lương và bị khống chế về số giờ giáo viên dạy thêm trong năm học.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, trong đó có nguyên nhân số lượng học sinh đầu vào trên địa bàn tỉnh biến động tăng theo từng năm, kéo theo quy mô lớp học tăng. Theo số liệu thống kê, tổng số học sinh năm học 2015-2016 là 373.559, năm học 2016-2017 là 378.751 và năm học 2017-2018 là 387.034 học sinh. Do đó, nhu cầu giáo viên đứng lớp cũng tăng theo. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến trước năm học 2018-2019, tỉnh Gia Lai không được giao bổ sung biên chế giáo viên. Mặt khác, thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, biên chế sự nghiệp giáo dục phải tinh giản 2,5%/năm, dự kiến, đến năm 2021 sẽ giảm tổng cộng 2.100 biên chế sự nghiệp giáo dục.
Hiện toàn tỉnh có 1.097 điểm trường, mỗi điểm trường trung bình có 3 đến 4 lớp mầm non, tiểu học. Do dân cư phân tán, các lớp học tại các điểm trường có sĩ số học sinh/lớp thấp so với định mức tối đa quy định nhưng vẫn phải bố trí chỉ tiêu tối thiểu giáo viên/lớp vì nếu để các cháu đi học cách xa nhà quá 2 km là trái với điều lệ trường học.
Hình minh họa. Ảnh: Đức Thụy |
Ngoài ra, nhiều trường phải bố trí hợp đồng cho một số công việc Trung ương quy định không được giao biên chế nhưng thực tế có nhu cầu như: Giáo viên mầm non dạy lớp 3, 4 tuổi ở vùng thuận lợi; giáo viên dạy các lớp học 2 buổi, dạy anh văn tiểu học, lớp thí điểm của dự án…Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên như hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Bùi Vạn Tuế, về góc độ kinh tế, chi phí tiền lương đối với giáo viên hợp đồng thấp, trong khi nếu bố trí giáo viên trong biên chế dạy tăng giờ, dạy thay thì phải trả lương gấp 1,5 lần lương hiện hữu. Ngoài ra, giáo viên dạy tăng tiết, dạy thay phải chịu áp lực lớn khi đảm nhiệm dạy tăng không quá 200 giờ/năm. Thực hiện giáo viên hợp đồng tiết kiệm rất nhiều cho ngân sách và giải quyết nhiều khó khăn của ngành giáo dục.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 19-12-2017, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn số 4558/UBND-NC báo cáo và xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về hợp đồng giáo viên trong định mức và nguồn tài chính để chi trả. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết vấn đề này. Do đó, trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, cơ quan chuyên môn cần rà soát, đánh giá lại các quy định về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập; các quy định tối thiểu, tối đa về bình quân học sinh/lớp và giáo viên/lớp đối với từng cấp học, loại hình lớp học (1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày); quy định về bố trí điểm trường…để có hướng điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.
Về phía tỉnh, cần triển khai quyết liệt hơn nữa công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, chủ động cân đối, điều tiết, bố trí giáo viên. Đồng thời khẩn trương tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên trên địa bàn tỉnh. “Năm 2018, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai dự kiến tổ chức thi tuyển 745 biên chế giáo viên. Ngoài số biên chế này, kiến nghị Trung ương bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai theo đúng định mức quy định”- ông Bùi Vạn Tuế cho biết.
Theo Bộ GD và ĐT, tổng biên chế được giao để tuyển mới năm học 2018-2019 của tỉnh Gia Lai là 720 biên chế giáo viên. Trong thời gian chưa tổ chức tuyển dụng được viên chức giáo viên, UBND tỉnh Gia Lai đã có ý kiến thống nhất thực hiện hợp đồng giáo viên trong phạm vi biên chế UBND tỉnh đã giao cho sự nghiệp giáo dục. Thời gian thực hiện hợp đồng đến khi có kết quả tuyển dụng viên chức giáo viên tỉnh Gia Lai năm 2018. |
Chí Hào