Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch cấp huyện, thực hiện tốt phương châm "2 chống, 3 xây"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 18-9, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai có Công văn số 394/CV-BCĐ về việc triển khai một số nội dung phòng-chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Để tiếp tục thực hiện các nội dung phòng-chống dịch trên địa bàn tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất triển khai một số vấn đề sau:
Thống nhất triển khai Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31 tháng 05 nãm 2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia về việc “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng-chống dịch Covid-19” với các quan điểm chỉ đạo. Thực hiện nguyên tắc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng-chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý. Triển khai thực hiện tốt phương châm “2 chống, 3 xây”: chống chủ quan, lơ là mất cảnh giác, thoả mãn; chống dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào cộng đồng; xây dựng kế hoạch cho tình huống xấu hơn, không bị động trong công tác phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch không khủng hoảng về an sinh xã hội; kế hoạch tuyên truyền vận động Nhân dân chủ động thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới.
Lực lượng chức năng phường Hoa Lư (TP. Pleiku) tổ chức tuyên truyền lưu động cho người dân nắm và chấp hành nghiêm những quy định trong phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Quang Tấn
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Nắm bắt chính xác tình hình, đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức “Nguy cơ rất cao”, “Nguy cơ cao”, “Nguy cơ”, “Bình thường mới” cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh. Các địa phương quán triệt tinh thần “chủ động tấn công” và nguyên tắc phòng chống dịch "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, luôn chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn. Đưa ra các giải pháp tương ứng với từng mức nguy cơ; cần áp dụng ở phạm vi phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ, theo cụm dân cư hoặc khu vực, không nhất thiết phải toàn bộ đơn vị hành chính.
Các giải pháp gồm nhóm bắt buộc và nhóm do chính quyền địa phương bổ sung hoặc quyết định ở mức cao hơn, nhanh hơn phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo mục tiêu kép.
Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 đến 7 giờ ngày 18-9-2021
Sở Y tế: Chỉnh sửa hoàn thiện văn bản thay thế Công văn số 226/CV-BCĐ ngày 22-7-2021 về việc hướng dẫn tạm thời áp dụng các hình thức cách ly y tế để phòng- chống dịch Covid-19, trình Ban Chỉ đạo tỉnh phê duyệt ban hành trước ngày 19-9-2021. Chịu trách nhiệm xem xét việc triển khai, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo cấp huyện; hướng dẫn Ban Chỉ đạo cấp huyện triển khai các biện pháp trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chủ động xử lý khi có tình huống, báo cáo, đề xuất Sở Y tế đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, đặc biệt khi phát hiện có ca dương tính tại địa bàn. Ban Chỉ đạo tỉnh không làm thay cấp huyện, cấp xã chỉ kiểm tra, hướng dẫn và xử lý theo quy định. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục thực hiện đánh giá dịch tễ thường xuyên, liên tục để sớm phát hiện, truy vết xét nghiệm tầm soát các đối tượng nguy cơ dịch Covid-19.
Hoàn chỉnh Kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định; lưu ý ưu tiên cho các đối tượng là người có công, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí và người trên 65 tuổi; ưu tiên thích hợp cho các vùng đô thị, đông dân cư như TP. Pleiku, vùng đang xảy ra dịch bệnh, vùng đang triển khai các dự án trọng điểm, các đối tượng còn lại tính theo dân số; rà soát lại các doanh nghiệp sản xuất, giao thông, xây dựng chưa được tiêm để bổ sung kế hoạch. UBND-Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 TP. Pleiku tiếp tục đánh giá mức độ ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, trong đó lưu ý đánh giá sát theo từng hộ gia đình, từng cụm dân cư, tổ dân phố và phân vùng nguy cơ phù hợp. Đánh giá lại từng chùm ca bệnh gắn với phân màu trong bản đồ dịch tễ.
Tiếp tục ngừng một số hoạt động, dịch vụ, kinh doanh các mặt hàng chưa thiết yếu như sau: Các quán bar/pub, vũ trường, karaoke, các dịch vụ massage, xông hơi. Các điểm kinh doanh, cung cấp trò chơi điện tử, game online, các đại lý internet; rạp chiếu phim, các cơ sở thẩm mỹ, spa. Dừng việc tổ chức cưới tại nhà hàng, khuyến cáo lùi thời gian tổ chức lễ cưới hoặc chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình (không quá 30 người) nhưng đảm bảo theo quy định phòng chống dịch, và được chính quyền địa phương đồng ý. Các hoạt động tang lễ tổ chức trong nội bộ gia đình, không quá 10 người tại 1 thời điểm, không đón khách ngoài địa phương, thực hiện nghiêm 5K và các quy định đảm bảo an toàn về phòng-chống dịch. Tạm dừng các nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo tập trung tại các cơ sở tôn giáo, các điểm đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho đến khi có thông báo mới.
Lực lượng chức năng phường Diên Hồng (TP. Pleiku) ký cam kết với điểm bán ăn uống vỉa hè chỉ được bán mang về. Ảnh: Bá Bính
UBND-Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố: Nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch cấp huyện, thực hiện tốt phương châm “2 chống, 3 xây”; chủ động, linh hoạt các giải pháp trong truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp tình hình thực tiễn; chủ động các phương án phòng-chống dịch trong giai đoạn hiện nay; khi phát hiện ca bệnh mới phải triển khai các phương án phòng-chống dịch theo quy định và báo cáo, đề xuất các biện pháp phòng-chống dịch về Ban Chỉ đạo tỉnh.
Chủ động trong công tác hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là tại cơ sở; chuẩn bị các phương án ở mức cao trong mua sắm, huy động các nguồn lực phòng- chống dịch, không để lúng túng khi dịch bùng phát; đảm bảo việc tổ chức và điều phối hiệu quả nguồn lực (về nhân lực y tế, vật tư, trang thiết bị...).
Khẩn trương rà soát và ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo, Quyết định thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo theo hướng dẫn. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở tham gia trực tiếp, đóng vai trò quan trọng trong phòng-chống dịch; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.
Chỉ đạo kiểm soát bên ngoài, quản lý chặt bên trong nhất là kiểm soát các yếu tố nguy cơ như xe và tài xế vận tải hàng hóa, người từ địa phương khác đến/về, người và gia đình đang thực hiện cách ly tại nhà; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ Covid cộng đồng (quản lý theo nhóm 30-40 hộ gia đình liền kề).
Đối với Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 huyện Krông Pa và huyện Chư Sê: Đánh giá nguy cơ theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31-5-2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đề xuất phương án phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp trên địa bàn quản lý, báo cáo Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh) để được hướng dẫn, phê duyệt. Đánh giá lại từng địa bàn giãn cách, các điểm khoanh vùng mỗi 72 giờ và sau 7 ngày. Chỉ đạo và hướng dẫn Ban Chỉ đạo phòng- chống dịch Covid-19 cấp xã chủ động triển khai các biện pháp phù hợp với bản đồ dịch tễ sau khi đánh giá, sẵn sàng đáp ứng với tình huống khi phát hiện ca dương tính tại địa bàn quản lý, thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện, nhất là công tác truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng, công tác hậu cần và bố trí lực lượng.
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm