Gia Lai: Nhiều lựa chọn điểm vui chơi lý thú, ẩm thực hấp dẫn dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng loạt sự kiện văn hóa, ẩm thực, lễ hội hấp dẫn diễn ra dịp 30-4 và 1-5 tại Gia Lai sẽ cho người dân và du khách có nhiều lựa chọn để trải nghiệm, thỏa sức vui chơi trong kỳ nghỉ dài ngày.
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Với quỹ thời gian nghỉ lễ đến 4 ngày nên người dân và du khách có nhiều sự lựa chọn điểm vui chơi, trải nghiệm khi đặt chân đến cao nguyên Gia Lai. Nếu chọn cung du lịch phía Đông tỉnh sẽ có các điểm đến hấp dẫn như: thác 50, thác Kon Bông, Kon Lốc (huyện Kbang). Cách TP. Pleiku chừng 150 km, đây là những thác nước hùng vĩ giữa đại ngàn Trường Sơn. Khung cảnh nguyên sơ của Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, những cung đường trekking thấm đẫm chất thơ lẫn sự kích thích của yếu tố mạo hiểm là điểm cộng cho tuyến du lịch trải nghiệm độc đáo này.
Thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Phan Nguyên
Thác 50 (huyện Kbang). Ảnh: Phan Nguyên
Tháng 4, khi mọi trái tim đều hướng về ngày thống nhất đất nước, những điểm du lịch thăm chiến trường xưa hay “địa chỉ đỏ” cũng là sự lựa chọn mang đến nhiều cảm xúc. Cũng trên đường du lịch về phía Đông, du khách có thể ghé thăm Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) dưới bóng mát của những tán rừng già. Khu di tích là một cụm công trình tuyệt đẹp giữa sắc xanh của núi non đại ngàn hùng thiêng Trường Sơn.
Ngược ra thị xã An Khê là hành trình tìm về vùng đất cổ xưa nhất của loài người. Mỗi bước chân dẫn đến An Khê đình, An Khê trường nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo hay tham quan di chỉ khảo cổ học Rộc Tưng-Gò Đá là bạn đang đi trên lớp lớp thời gian ở vùng đất di sản. Vùng đất này còn là nơi để tìm về các giá trị văn hóa đình làng cổ, nhà cổ, những ngôi chùa đậm hồn Việt ra đời cùng với lịch sử nhiều đời người Việt có mặt trên vùng đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh.
Nếu chọn cung đường du lịch phía Tây của tỉnh, du khách có thể chọn điểm đến như: Nhà máy Thủy điện Ia Ly, suối đá cổ ở làng Vân hay xa hơn là làng chài Sê San (cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 70 km). Trên cung đường này, những người yêu văn hóa Tây Nguyên nên ghé thăm khu nhà mồ làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) dưới bóng đa cổ thụ. Nơi đây hội tụ vẻ đẹp của nghệ thuật trang trí, kiến trúc, điêu khắc gỗ dân gian… và những tinh hoa trong đời sống của người Jrai. Xã Hà Tây (huyện Chư Păh) trên cung du lịch này cũng là nơi đáng để trải nghiệm trong kỳ nghỉ lễ dài. Đến đây, bạn có cơ hội chiêm ngưỡng những nhà rông truyền thống to đẹp nhất không chỉ ở 1 mà ở cả 9 ngôi làng Bahnar. Nhà rông quy mô, bề thế không thua gì nhà rông Kon Klor lớn nhất Tây Nguyên ở Kon Tum và điểm cộng là cảnh quan, phong vị văn hóa đậm đặc dưới từng nếp nhà sàn truyền thống, làm nên những ngôi làng đẹp đến lạ lùng.
Nhà mồ làng Kép-xã ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) là địa chỉ tìm hiểu văn hóa bản địa trên cung du lịch kết nối với Kon Tum . Ảnh: Hoàng Ngọc
Nhà mồ làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) là địa chỉ tìm hiểu văn hóa bản địa trên cung du lịch kết nối với Kon Tum. Ảnh: Hoàng Ngọc
Trong âm hưởng của ngày đất nước thống nhất, xuôi về đường 7 (quốc lộ 25) ở cung du lịch phía Đông Nam tỉnh là tìm về ký ức cuộc di tản lịch sử năm 1975. “Hàng năm, khi cây rừng trên đèo Tô Na chuyển từ màu xanh biếc lộc sang màu xanh đậm, người ta như vẫn còn nghe tiếng ầm ì đạn bom đâu đây”-nhà báo Nguyễn Thanh Phong-nguyên Biên tập viên Báo Gia Lai từng viết như vậy. Về đường 7 dịp này là về với không khí hội hè sống động suốt từ huyện Phú Thiện đến vùng đất bên kia đèo Tô Na là huyện Krông Pa. Người dân và du khách có thể dừng lại ở huyện Phú Thiện để hòa mình vào lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui cùng nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Ở đây còn có các địa điểm kết nối để kéo dài lịch trình như đi thuyền hái những búp sen hồng trên cánh đồng sen rộng hàng chục héc ta ở xã Ia Yeng, trốn nắng ven hồ thủy lợi Ayun Hạ, tham quan di tích quốc gia Plei Ơi-nơi chứa đựng huyền sử về các vị Vua Lửa với thanh gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió.
Chùa cổ Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) an tĩnh giữa đồng chè trăm tuổi là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chùa cổ Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) an tĩnh giữa đồng chè trăm tuổi là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Một chuyến picnic thú vị gần nhà là kiểu du lịch tại chỗ khá phổ biến của nhiều gia đình có con nhỏ. Xu hướng này được đáp ứng bởi Gia Lai có nhiều địa điểm cắm trại lý tưởng như: khu vực đồi thông Ia Dêr (huyện Ia Grai) chỉ cách thành phố một cây cầu, khuôn viên Công viên Diên Hồng, rừng thông dọc “mắt ngọc” Biển Hồ, đập Tân Sơn. Khu vực đồn điền chè Bàu Cạn hay đồn điền chè Biển Hồ cũng đều có những vị trí cắm trại lý tưởng để thỏa sức đắm mình với thiên nhiên đồng quê nơi ngoại ô. Trong những cánh rừng cao su gần các con suối, thác nước cũng là những điểm cắm trại để chuyến phiêu lưu của các bạn trẻ trở nên trọn vẹn hơn.
Nếu không có “thổ địa” dẫn đường, du khách có thể mua tour thông qua các công ty lữ hành ở Gia Lai. Các đơn vị đều phục vụ các tour 1 ngày khám phá Phố núi và vùng ngoại ô, tour 2 ngày kết nối với các điểm trong khu vực Bắc Tây Nguyên hoặc lên chương trình trải nghiệm mới theo nhu cầu của du khách.
Thú vị nơi ăn, chốn ở
Nhưng đi đâu thì mọi người cũng không nên bỏ qua phố núi Pleiku trong kỳ nghỉ lễ này. Tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (khu vực đường Anh Hùng Núp) là chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm” diễn ra từ 19 giờ đến 21 giờ các ngày 30-4 và 1-5. Gần 100 nghệ nhân Jrai, Bahnar ở huyện Đak Đoa và TP. Pleiku sẽ trình diễn cồng chiêng, hướng dẫn du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa, múa dân gian và thưởng thức ẩm thực truyền thống, uống rượu cần để cảm nhận trọn vẹn phong vị của một đêm hội như được trở về làng. Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) Nguyễn Quang Tuệ cho biết: “Đây là “cuộc chơi” lần đầu tiên được tổ chức hướng đến khách du lịch và những người yêu văn hóa Tây Nguyên”.
Các nhà hàng ẩm thực truyền thống còn chuẩn bị các hoạt động văn hóa-văn nghệ, trình diễn cồng chiêng phục vụ du khách dịp lễ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các nhà hàng ẩm thực truyền thống còn chuẩn bị các hoạt động văn hóa-văn nghệ, trình diễn cồng chiêng phục vụ du khách dịp lễ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Du khách cũng có thể thưởng thức cồng chiêng Tây Nguyên tại những nhà hàng ẩm thực truyền thống như: nhà hàng nghệ nhân Ksor Hnao (làng Kép, phường Đống Đa), Tơ Nưng, Bazan, H’Bla T’rưng (phường Thắng Lợi), Plei Tiêng (làng Tiêng, xã Tân Sơn), Plei Cồng chiêng (Làng Văn hóa-Du lịch Plei Ốp, phường Hoa Lư)… Không chỉ là những địa chỉ ẩm thực nổi tiếng, những nơi này còn là địa chỉ văn hóa giải trí rất được du khách yêu thích. Những địa chỉ này đều có chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc, những sáng tác về Tây Nguyên đại ngàn do các nghệ sĩ hàng đầu của tỉnh biểu diễn.
Du khách có thể tìm mua các sản phẩm nông nghiệp nông thônn tiêu biểu của tỉnh Gia Lai tại quầy hàng lưu niệm trước cổng danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Du khách có thể tìm mua các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Gia Lai tại quầy hàng lưu niệm trước cổng danh thắng Biển Hồ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Về chốn ở, ngoài hàng chục khách sạn từ 1 đến 4 sao, nếu muốn cải thiện cảm xúc nơi mang phong cách đồng quê, gần gũi thiên nhiên nhưng vẫn đầy đủ các dịch vụ tiêu chuẩn, du khách có thể lựa chọn homestay Tiên Sơn Pleiku (thôn Tiên Sơn 3, xã Tân Sơn), Xom Organic Farmstay (thôn 5, xã Trà Đa), Paksong Farmstay (34/3 Nơ Trang Long, phường Trà Bá, TP. Pleiku), Papa Garden (455 Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) với triết lý kinh doanh “Không phải là những ngôi nhà trong hình thức mà là nơi nào trong tim bạn cảm thấy bình yên nhất, nơi đấy gọi là nhà”. Đây cũng chính là tinh thần mà mỗi người dân Gia Lai mừng đón và đối đãi khi du khách tới “nhà”. Hiếu khách, không tăng giá dịch vụ và sẵn sàng trở thành bạn đồng hành cho bất cứ du khách nào khi cần sự hỗ trợ, Gia Lai xứng đáng là lựa chọn của bạn trong kỳ nghỉ lễ này.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm