Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Nhức nhối nạn khai thác vàng trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng khai thác vàng trái phép tại vùng giáp ranh giữa xã Đak Sơ Mei và Hà Đông (huyện Đak Đoa) với xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) thường xuyên xảy ra. Mặc dù chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều phương án đấu tranh nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Đột kích các bãi vàng trái phép
Ngày 18-3, lực lượng Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Đak Đoa và Chư Păh bất ngờ kiểm tra 2 điểm có dấu hiệu khai thác vàng trái phép tại khu vực nhà rẫy của 14 hộ dân thuộc làng Kon Mahar, xã Hà Đông. Tại địa điểm thứ nhất, lực lượng Công an phát hiện có 3 hố sâu với diện tích hàng trăm mét vuông, xung quanh có 3 máy nổ, đầu máy bơm, mâm đãi vàng, một máy múc và lán trại của các đối tượng dùng để ở.
Vào thời điểm kiểm tra, có 2 đối tượng đang túc trực tại đây gồm: Trần Mạnh Quang (SN 1964, trú tại TP. Kon Tum) làm quản lý và Võ Doãn Bình (SN 1991, trú tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là lái xe máy múc. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, khu vực này do Nguyễn Triệu Phú (SN 1984, trú tại TP. Pleiku) làm chủ và giao cho Quang làm quản lý. Có 10 người hoạt động khai thác vàng, nhưng tại thời điểm kiểm tra, họ không có mặt.
Hiện trường bãi khai thác vàng trái phép. Ảnh: Văn Ngọc
Tiếp tục kiểm tra điểm khai thác thứ 2 cách khoảng 1 km, lực lượng chức năng phát hiện thêm 1 hố sâu với kích thước 30 m x 30 m bị các đối tượng cày xới để lấy đất đãi vàng; 2 máy nổ, xe máy múc cùng nhiều tang vật khác. Tại đây, lực lượng chức năng tạm giữ Trần Văn Thông (SN 1969, trú tại tỉnh Đak Lak) là quản lý bãi và Vũ Văn Thanh (SN 1986, trú tại tỉnh Đak Lak) là người làm công.
Bước đầu, các đối tượng khai nhận khu vực này do Nguyễn Văn Trực (SN 1984, trú tại xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) làm chủ và giao cho Thông làm quản lý. Tại bãi này có 7 người hoạt động khai thác vàng, nhưng thời điểm kiểm tra, họ không có mặt.
Qua đấu tranh, cả Quang (quản lý bãi 1) và Thông (quản lý bãi 2) đều khai nhận đang tiến hành cải tạo đồng ruộng kết hợp tận thu khoáng sản. Tuy nhiên, các đối tượng không xuất trình được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép chuyển mục đích sử dụng đất và thủ tục pháp lý liên quan đến việc cải tạo đồng ruộng.
Cũng tại khu vực giáp ranh này, theo chỉ dẫn của người dân, P.V Báo Gia Lai men theo con đường mòn len lỏi giữa cánh rừng ở cuối làng Bok Rẫy (xã Đak Sơ Mei) để đến 1 bãi vàng khác. Sau khoảng 4 km lội bộ, chúng tôi phát hiện một “công trường” của “vàng tặc” để lại với những lán trại đã tháo dỡ bạt còn khung và một số vật dụng sinh hoạt ngổn ngang trong phạm vi hàng trăm mét vuông nằm lưng chừng núi.
Các dấu vết này chứng tỏ “vàng tặc” vừa mới dời đi không lâu. Ở bờ suối cách lán trại khoảng 20 m, “vàng tặc” vẫn bỏ lại những máng dùng để đãi vàng. Khu vực sườn núi vẫn còn hàng chục hầm sâu, xung quanh đất đá ngổn ngang.
Các máng đãi vàng bị bỏ lại khu vực núi Ktok (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa). Ảnh: Văn Ngọc
Vấn nạn bao giờ chấm dứt?
Trong những năm qua, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét, nhưng xem ra cuộc chiến với nạn khai thác vàng trái phép vẫn còn chưa được xử lý dứt điểm.
Ông Piên-Chủ tịch UBND xã Hà Tây (huyện Chư Păh) cho biết: Xã đã thành lập 1 tổ công tác thường xuyên tuần tra nhằm truy quét “vàng tặc” cũng như bảo vệ rừng. Tuy nhiên, vì địa hình xa xôi cách trở nên khi lực lượng chức năng vào kiểm tra thì các đối tượng đã bỏ trốn. Cùng với đó, một số người dân đã tiếp tay cho “vàng tặc” lộng hành.
Đầu tháng 1-2021, UBND xã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) phát hiện tại tiểu khu 186 thuộc lâm phần do UBND xã Hà Tây quản lý có một số đối tượng đang khai thác vàng trái phép. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 2 máy nổ, 2 máy đào và công cụ dùng để đãi vàng. Đây là khu vực nương rẫy do người dân xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) đến canh tác nhưng cho 1 đối tượng ở tỉnh Quảng Nam mang máy móc đến khai thác vàng trái phép dưới hình thức đào ao lấy nước tưới.
Hầm khai thác vàng tại núi Ktok (xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa). Ảnh: Văn Ngọc
Khi chúng tôi đặt vấn đề liệu có việc để lọt thông tin trong quá trình kiểm tra, truy quét, ông Đậu Sỹ Kế-Chủ tịch UBND xã Đak Sơ Mei-cho rằng: “Tôi tin không có vấn đề này, vì nhiều lần sau khi nhận được tin báo của người dân, xã lập kế hoạch kiểm tra đột xuất chỉ có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã biết. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến nơi, các đối tượng đã rời khỏi hiện trường”.
Tình trạng khai thác vàng trái phép liên tục diễn ra ở vùng giáp ranh của 3 xã trong những năm qua cho thấy vấn đề quản lý, phối hợp của chính quyền các địa phương vùng giáp ranh vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi thực chất các bãi khai thác vàng tại đây đều đã được nhận diện từ lâu. Để đến được các bãi vàng này, các đối tượng phải vận chuyển một số lượng lớn máy móc, thiết bị qua những con đường độc đạo, nhưng chính quyền không phát hiện để xử lý.
HẠ VY-VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm