Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 31-10, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và Hồ Phước Thành đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác tháng 10, triển khai nhiệm vụ công tác 2 tháng cuối năm 2022. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun HBút; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND TP. Pleiku. Hội nghị đã đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội tăng so với cùng kỳ năm 2021

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, biến đổi khí hậu và áp lực lạm phát tăng cao nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, tỉnh đã cơ bản thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch; nhiều chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy



Cụ thể, tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh gieo trồng được gần 218.627 ha cây trồng vụ mùa, đạt 98,7% kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn tỉnh hiện có hơn 227.176 ha cây trồng sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance… chiếm 40,9% tổng diện tích gieo trồng. Công tác chỉ đạo, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện, 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 104 làng đồng bào dân tộc thiểu số). Ngoài ra, toàn tỉnh có 214 sản phẩm OCOP được công nhận (25 sản phẩm 4 sao và 189 sản phẩm 3 sao). Bên cạnh đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) thực hiện tháng 10 ước đạt 2.610 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng ước đạt 22.368 tỷ đồng, đạt 77,43% kế hoạch, tăng 15,84%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 8.665 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng đạt gần 71.878 tỷ đồng, đạt 84,56% kế hoạch, tăng 16,66%. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 45 triệu USD; lũy kế 10 tháng ước đạt 595 triệu USD, đạt 90,15% kế hoạch, tăng 19%.

Trong 10 tháng qua, tổng lượt khách tham quan, du lịch ước đạt 730.000 lượt, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khách quốc tế 2.170 lượt, khách nội địa 727.830 lượt. Tổng doanh thu du lịch 10 tháng ước đạt 490 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm đúng mức; các chế độ, chính sách cho đối tượng thụ hưởng được triển khai kịp thời, đầy đủ. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 10 tháng qua đạt hơn 4.670 tỷ đồng, đạt 86,2% dự toán Trung ương giao và 80,1% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2021; tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản còn chậm, mới chỉ đạt 39,8% kế hoạch vốn được giao; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình an ninh chính trị thế giới, giá vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác tiếp tục duy trì ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics...; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tăng cao; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều...

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đề nghị lãnh đạo các sở, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, đánh giá những mặt đạt được trong 10 tháng qua; chỉ ra nguyên nhân những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, đề ra các giải pháp căn cơ để khắc phục, triển khai hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong 2 tháng còn lại của năm 2022.

Về giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho rằng: “Chúng ta phải thực hiện tốt quy hoạch và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Để thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp trong thời gian đến thì việc đầu tiên Sở kiến nghị với UBND tỉnh là phải tổ chức 1 hội nghị để giải quyết các khó khăn tại Khu Công nghiệp Nam Pleiku. Đồng thời, Sở Công thương cũng đang tập trung thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp ở các địa phương. Từ đó, đẩy mạnh thu hút, tạo điều kiện để các nhà đầu tư vào lấp đầy các cụm công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đức Thụy



Từ đầu năm đến nay, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt nhưng tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn vẫn diễn biến quá phức tạp. Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) Đoàn Hữu Dũng thông tin: Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh xảy ra 270 vụ tai nạn giao thông, làm chết 195 người, bị thương 215 người. So với cùng kỳ năm 2021, tai nạn giao thông tăng 23 vụ, tăng 19 người chết và tăng 24 người bị thương. Trong đó, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến thanh-thiếu niên thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay có 22 vụ tai nạn giao thông do người dưới 18 tuổi gây ra, chiếm 11% tổng số vụ. Qua phân tích, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như: đi sai làn đường, không chú ý quan sát, chuyển hướng sai quy định, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông… Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh đang phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế tai nạn giao thông.

Về các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Đối với tuyến cao tốc Pleiku-Quy Nhơn, trên cơ sở đề xuất của đơn vị tư vấn, Sở đã thống nhất và lấy ý kiến các sở, ngành về hướng tuyến đi qua địa bàn tỉnh; làm việc với ngành chức năng của tỉnh Bình Định để thống nhất hướng tuyến và điểm kết nối. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh làm việc với tỉnh Bình Định để thống nhất hướng tuyến cũng như điểm đấu nối cơ bản của tuyến cao tốc và tiếp tục xin ý kiến triển khai các bước tiếp theo. Đối với những tồn tại trong việc thi công tuyến quốc lộ 19 (Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên), Sở đã có 7 văn bản phản ánh, trao đổi với Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ GT-VT). Ngoài ra, đầu tháng 9 vừa qua, Sở cũng đã cùng lãnh đạo UBND tỉnh đi kiểm tra trực tiếp trên tuyến này và có văn bản gửi Bộ GT-VT đề nghị chỉ đạo tăng cường năng lực, tiến độ thi công công trình.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình trật tự an toàn xã hội sẽ diễn biến phức tạp. Do đó, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng vũ trang, UBND các huyện biên giới tăng cường kiểm soát công tác xuất-nhập cảnh nhằm ngăn chặn hoạt động xuất-nhập cảnh trái phép cũng như buôn bán hàng cấm qua biên giới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Bên cạnh đó, Giám đốc Công an tỉnh thông tin: Để kiềm chế tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm, Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tập trung tuyên truyền sâu rộng Luật Giao thông đường bộ; đồng thời, kiểm tra, kiểm soát đến tận làng, xã, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò, cúm gia cầm; thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2022 và chăm sóc tốt diện tích rừng đã trồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cũng đề nghị Sở Công thương xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023. Bên cạnh đó, Sở cần có giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa các dự án, các nhà máy đi vào hoạt động; phát triển thương mại điện tử, triển khai kế hoạch thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; cập nhật kịp thời tình hình thông quan tại các cửa khẩu, lối mở phục vụ xuất-nhập khẩu; đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ nhanh hàng hóa, tránh ùn ứ nông sản khi đến mùa cao điểm thu hoạch.

“Đặc biệt, các sở, ngành và địa phương cần triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành trong năm 2022. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để giao cho đơn vị thi công; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Rà soát điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; xử lý nghiêm các nhà thầu, ban quản lý, chủ đầu tư chậm tiến độ”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nhấn mạnh.

 

QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm