(GLO)- Sáng 15-10, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 Vương Đình Huệ đồng chủ trì hội nghị. Phía đầu cầu Gia Lai, chủ trì có Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút.
Ảnh: Hà Duy |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương, giai đoạn 2011-2015, nhờ thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 14,2% năm 2010 đã giảm còn 4,25% vào cuối năm 2015. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước giảm 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2-09-2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, mục tiêu cụ thể giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1% đến 1,5%/năm.
Tại Gia Lai, các chương trình mục tiêu giảm nghèo được triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương; cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ; người nghèo được vay vốn và được tạo mọi điều kiện để từng bước ổn định sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2015 giảm còn 11,36%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao và giảm chậm (đến cuối 2015 vẫn còn trên 31.750 hộ, chiếm tỷ lệ gần 86% tổng số hộ nghèo). Trong giai đoạn 2016-2020, Gia Lai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm khoảng 2,5%, đến cuối năm 2020, tỷ lệ này chỉ còn 7,21%; giải quyết việc làm hàng năm đạt khoảng 2,4 vạn lao động; số lao động nông thôn được đào tạo nghề trên 13.000 lao động/năm, trong đó lao động nghèo chiếm 38%.
Kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2016-2020, các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao; rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp cận nghèo đa chiều; thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, kiểm tra giám sát. Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là vùng khó khăn, phải có chính sách đặc thù đối với vùng lõi nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân. Các địa phương xây dựng, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp giảm nghèo gắn với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy vai trò của người dân và cộng đồng “Tôi chính thức phát động Phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”-Thủ tướng Chính phủ phát động ngay tại Hội nghị.
Hà Duy