Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 24-8, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh Gia Lai tiến hành họp để đánh giá công tác CCHC từ đầu năm đến nay; đánh giá chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân năm 2020 và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tiếp theo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông-Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh chủ trì cuộc họp.

Tăng đồng thời nhiều tiêu chí

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Võ Quốc Hùng cho biết: Chỉ số CCHC năm 2020 của Gia Lai đạt 84,81/100 điểm, xếp vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 20 bậc so với năm 2019. Nhìn chung, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, đổi mới và sáng tạo trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ CCHC như: ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, nhất là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Các sở, ban, ngành và UBND các cấp đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, sáng tạo để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC được giao.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phương Linh


Cùng với đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2020 đạt 86,41%, xếp vị trí thứ 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 10 bậc so với năm 2019. Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh: “Điều này thể hiện quyết tâm của các cấp, các ngành trong năm 2020; chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung đã có cải thiện đáng kể”.

Công tác CCHC từ đầu năm 2021 đến nay cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận ở các lĩnh vực. Đã có 16/17 UBND cấp huyện, 14/220 UBND cấp xã thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh sang bưu điện thực hiện. Một số ngành dọc như: Công an tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… đã triển khai tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Hiện nay, toàn bộ TTHC của tỉnh được cung cấp theo dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2; trong đó có 185 thủ tục mức độ 3 và 380 thủ tục mức độ 4.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm

Tuy nhiên, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn 7 tồn tại, hạn chế lớn. Chỉ số hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị vẫn tiếp tục ở vị trí thấp nhất trong số 5 yếu tố được đánh giá. Từ kết quả khảo sát, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nhìn nhận: Có thể thấy các cấp chính quyền nói chung chưa làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức. Người dân, tổ chức tiếp cận thông tin về quy định TTHC qua website tỉnh, cơ quan, qua website Cổng dịch vụ công quốc gia và qua mạng internet rất thấp. Vẫn còn tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần. Có 0,15% người dân, tổ chức được khảo sát đã phải nộp “phí bôi trơn” khi thực hiện TTHC. Điều đó phản ánh vẫn còn tình trạng công chức tham nhũng, tiêu cực trong quá trình cung ứng dịch vụ công.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Linh


Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số CCHC trong thời gian tới. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hùng nêu ý kiến: “Ban Chỉ đạo cần kiểm tra lại quy chế hoạt động, kiểm tra chế độ phân công theo dõi của từng thành viên đối với từng lĩnh vực, địa phương. Từ đó tiến hành rà soát lại việc tổ chức thực hiện các tiêu chí CCHC ở các địa phương nhằm triển khai một cách đồng bộ”.

Còn Giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Cường thì đề xuất: “Sở Nội vụ cũng như các sở, ngành cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho nhân viên Bưu điện trong việc tiếp nhận hồ sơ, TTHC để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông đề nghị Sở Nội vụ tham mưu xây dựng kế hoạch về công tác CCHC để khắc phục những tồn đọng trong thực hiện CCHC, lấy đó làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện kế hoạch thực hiện cho năm 2022. Trong kế hoạch phải xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các sở, ngành, địa phương. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện kế hoạch CCHC, đặc biệt trong việc theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở về các chỉ số CCHC; có biểu dương, khen thưởng, phê bình rõ ràng.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường quyết liệt giải quyết hồ sơ trễ hẹn, đặc biệt ở lĩnh vực đất đai. Từng địa phương, từng ngành phải xây dựng kế hoạch riêng của mình. Bưu điện tỉnh tiếp tục hoàn thành việc chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh ở cấp huyện, tiếp tục chuyển giao ở cấp xã. Các sở, ngành cần tiếp tục cử người đảm đương, giám sát việc tiếp nhận hồ sơ ở lĩnh vực của mình cho tới khi nhân viên Bưu điện có thể đảm đương được công việc.

 

 PHƯƠNG LINH
 

Có thể bạn quan tâm