Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Gia Lai quy định đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 26-9, Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Quy định số 660-QĐ/TU về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. 

Quy định gồm 4 chương, 12 điều gồm: quy định chung; đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị; phân cấp đào tạo lý luận chính trị; điều khoản thi hành. 

Theo đó, Tỉnh ủy quy định cụ thể đối tượng và tiêu chuẩn đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp lý luận chính trị, đối tượng là đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở; công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, làng, tổ dân phố và một số đối tượng khác có nguyện vọng phù hợp với yêu cầu chung; các trường hợp theo quy định phải có trình độ sơ cấp lý luận chính trị; tốt nghiệp THCS trở lên. 

Đối tượng thuộc diện đào tạo trung cấp lý luận chính trị là cán bộ, công chức, viên chức là cấp ủy viên cấp xã, chủ tịch HĐND, UBND, cấp trưởng, phó MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cấp xã; phó trưởng phòng và cấp phó các đơn vị tương đương cấp phòng của cấp huyện, cấp tỉnh; phó trưởngphòng, ban trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và cấp trưởng, phó các tổ chức trực thuộc các doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn tỉnh; hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, tiểu học THCS thuộc ngành Giáo dục cấp huyện; quy hoạch phó trưởng phòng của các cơ quan trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh; cán bộ quân đội; cán bộ Công an. 

Tiêu chuẩn đào tạo trình độ trung cấp chính trị đối với đảng viên dự bị hoặc chính thức, tốt nghiệp cao đẳng trở lên (THPT trở lên đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc cán bộ công tác tại các xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn); học hệ không tập trung đối với nữ từ 33 tuổi, nam từ 35 tuổi trở lên. 

Đối tượng đào tạo cao cấp chính trị là cán bộ, công chức, viên chức là trưởng phòng cấp huyện, cấp tỉnh; cấp ủy viên cấp huyện trở lên; cấp ủy viên cấp tỉnh, lãnh đạo cấp sở, ban, ngành, MTTQ và các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; trưởng phòng trở lên của các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp, đảng ủy trực thuộc trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh; cấp ủy viên, ban giám đốc, hội đồng thành viên, trưởng phòng, ban ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp nhà nước đứng chân trên địa bàn tỉnh; phó trưởng phòng các đơn vị tương đương cấp phòng ở trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh, phó trưởng phòng quy hoạch trưởng phòng cấp huyện, tỉnh; quy hoạch các chức danh cấp ủy viên cấp huyện, tỉnh, lãnh đạo sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh…

Tiêu chuẩn đối với đào tạo cao cấp chính trị là đảng viên chính thức, tốt nghiệp đại học trở lên, cán bộ học hệ không tập trung đối với nữ từ 38 tuổi trở lên, nam từ 40 tuổi trở lên. 

Theo quy định, trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đào tạo sơ cấp lý luận chính trị; Trường Chính trị tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của tỉnh và các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương làm việc trên địa bàn tỉnh. 

PHƯƠNG VI

 

Có thể bạn quan tâm