(GLO)- Thực hiện kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang tại hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Gia Lai đã tích cực tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng-chống tham nhũng.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tham nhũng 6 tháng đầu năm. Ảnh: Hà Duy |
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tuyên truyền, PBGDPL về phòng-chống tham nhũng và thực hiện công tác tuyên truyền về lĩnh vực này bằng nhiều hình thức và nội dung phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Cụ thể, Sở đã biên soạn các tài liệu tuyên truyền về công tác phòng-chống tham nhũng bằng tiếng Việt, Jrai, Bahnar và phát hành đến các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng-chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL; đăng tải các tin, bài liên quan trên trang thông tin điện tử nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu và tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Tính từ năm 2016 đến nay, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành khoảng 29.000 tài liệu chuyên đề về phòng-chống tham nhũng; lồng ghép phổ biến các quy định pháp luật về phòng-chống tham nhũng trong khoảng 38.000 cuốn sổ tay PBGDPL ở thôn, làng, khu dân cư của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh phát hành hàng quý; tổ chức 2 hội nghị tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho hơn 900 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, người làm công tác PBGDPL ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; mở 27 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hơn 2.800 người là công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong đó chú trọng giới thiệu một số quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định về lĩnh vực này đến người dân thông qua hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp theo quy định của pháp luật. Ngoài việc phát hành tài liệu trực tiếp, tất cả các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng-chống tham nhũng đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở để thuận tiện hơn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân có thể tìm hiểu thêm tại chuyên mục Tài liệu PBGDPL.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng-chống tham nhũng, theo bà Dương Thị Thanh Hiếu-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp), trước hết cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng-chống tham nhũng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kiên quyết, quan tâm chỉ đạo thường xuyên về công tác phòng-chống tham nhũng, xem đây là chỉ tiêu thi đua hàng năm của từng cá nhân và là trách nhiệm của tập thể cơ quan. Đồng thời chỉ đạo công chức, viên chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do tỉnh hoặc cơ quan cấp trên tổ chức để tham mưu thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp. Vì thực tế, trong các báo cáo chuyên đề hoặc định kỳ về công tác PBGDPL, một trong những ý kiến đề xuất của các cơ quan, đơn vị, địa phương là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng. Tuy nhiên, khi tổ chức thì lại không tham gia, tham gia không nghiêm túc, không hiệu quả. Ngoài ra, phải tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền, PBGDPL về phòng-chống tham nhũng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng-chống tham nhũng nói chung; đẩy mạnh kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan báo chí, đảm bảo xét xử nghiêm minh, công bằng các vụ án tham nhũng nhằm tạo tính răn đe, giáo dục trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Gia Cư