Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Gia Lai: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã dành nhiều thời gian thảo luận về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo quốc phòng-an ninh. Nhiều ý kiến tâm huyết được các đại biểu gửi gắm đến Đại hội nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác này.
Củng cố hệ thống chính trị cơ sở
Tham luận tại Đại hội, đại biểu Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: Đảng bộ huyện có 60 tổ chức cơ sở Đảng với 4.140 đảng viên. Là huyện biên giới có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, lại là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, do vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng gắn liền với củng cố hệ thống chính trị từ thôn, làng cho đến huyện. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị kết hợp công tác đối ngoại, xây dựng tiềm lực quốc phòng trên tuyến biên giới.
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong thời gian qua, Bí thư Huyện ủy Chư Prông cho rằng, để hệ thống chính trị vững mạnh phải tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với phát huy năng lực công tác, ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; nâng cao vai trò tiền phong gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu từng tổ chức.
Đại biểu Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cũng nêu ý kiến: “Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở phải bám sát thực tiễn của từng địa phương, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp; tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng công tác quy hoạch, bố trí cán bộ cho từng vị trí phù hợp với năng lực, sở trường; đồng thời, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở cơ sở về chính trị, tư tưởng, đạo đức, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình vận hành của hệ thống chính trị ở cơ sở”.
Đại biểu Dương Minh Đức-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham luận tại Đại hội. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Dương Minh Đức-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy-tham luận về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Ảnh: Đức Thụy
Kiểm tra, giám sát đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tham luận tại Đại hội, đại biểu Dương Minh Đức-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy-cho hay: “Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng thì phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ, theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác Đảng. Quá trình tiến hành kiểm tra, giám sát phải có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy coi trọng và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì ở đó việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị đạt kết quả tốt, nội bộ đoàn kết thống nhất, kỷ cương được giữ vững; lệch lạc, tiêu cực được ngăn chặn và đẩy lùi”.
Liên quan đến công tác giám sát, phản biện xã hội, đại biểu Rơ Chăm H’Hồng-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh-đề xuất: “Tỉnh ủy cần hướng dẫn các tổ chức Đảng trực thuộc đề nghị Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh góp ý bằng văn bản 1 lần/năm trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức Đảng hoặc trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp; gắn kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp với đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được giám sát cũng như phân loại thi đua các tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các đơn vị, địa phương hàng năm. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần chủ trì phối hợp cùng các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện giám sát đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu theo quy định của Ban Bí thư đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.
Đại biểu Rơ Chăm H’Hồng-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham luận tại Đại hội. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Rơ Chăm H’Hồng-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh-tham luận tại Đại hội. Ảnh: Đức Thụy
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, nhiệm kỳ 2015-2020, công tác cán bộ của tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 33.587 cán bộ, công chức, viên chức. So với năm 2015, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, về chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng 352 người; trình độ đại học tăng 3.743 người. Về lý luận chính trị, cán bộ có trình độ trung cấp tăng 1.660 người; trình độ cao cấp, cử nhân tăng 364 người.
Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Quang Thái-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy: “Việc xây dựng, nâng cao chất lượng công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới ở tỉnh ta là mục tiêu nhưng đồng thời cũng là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, phải tiến hành thận trọng với những bước đi vững chắc và cần có sự đồng thuận với quyết tâm cao và tích cực trong hành động của cả hệ thống chính trị”.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng cho rằng, để làm tốt nội dung trên, tỉnh cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế về công tác cán bộ ở địa phương nhằm triển khai thực hiện cho phù hợp theo đúng quy định. Xây dựng tiêu chí đánh giá, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ; trong đó, nhấn mạnh tiêu chí về năng lực và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Xây dựng quy trình đánh giá cán bộ theo hướng đổi mới, mở rộng dân chủ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể cấp có thẩm quyền và người đứng đầu. Thực hiện phương châm “động” và “mở” trong xây dựng quy hoạch cán bộ; mở rộng phạm vi, đối tượng để chọn nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch.
Tham luận tại Đại hội, đại biểu Nguyễn Đình Tiến-Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh-khẳng định: Kết quả thực hiện Chỉ thị số 05 đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trách nhiệm gương mẫu đi đầu của cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Nguyễn Đình Tiến-Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tham gia thảo luận. Ảnh: Đức Thụy
Đại biểu Nguyễn Đình Tiến-Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh-tham luận về thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Ảnh: Đức Thụy
“Để tiếp tục phát huy những kết quả trong thực hiện Chỉ thị số 05, chúng ta cần tiếp tục phòng-chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với thực hiện các chuyên đề hàng năm. Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể định kỳ. Nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng để định hướng dư luận, củng cố niềm tin, chấn chỉnh các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp”-đại biểu Nguyễn Đình Tiến đề xuất.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm