Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Gia Lai tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ mảnh đất ngổn ngang, hoang tàn vì bom đạn, 45 năm sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước với những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực. Đây chính là động lực, tiền đề để hướng đến những mục tiêu mới cao hơn.

 

Những bước tiến đầy tự hào

Sau thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh bước vào công cuộc tái thiết, xây dựng với xuất phát điểm rất thấp kém. Sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp với phương thức hết sức lạc hậu; cơ sở công nghiệp hầu như chưa có; hệ thống dịch vụ chủ yếu phục vụ cho bộ máy chiến tranh. Toàn tỉnh còn hơn 50 vạn người phải cứu đói; 95% dân số mù chữ; tình hình an ninh chính trị rất phức tạp; đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, chưa có kinh nghiệm.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh Đ.T
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: Đ.T



Sau 45 năm xây dựng, đặc biệt là sau khi tách tỉnh (năm 1991), Gia Lai đã có bước phát triển nhanh và khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm đạt khá, bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 11,3%, giai đoạn 2006-2010 đạt 13,6%, giai đoạn 2011-2015 đạt 12,81%, dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 7,93%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2019 đạt 49,8 triệu đồng, gấp hơn 51,6 lần so với năm 1991. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 chỉ đạt 40 tỷ đồng, năm 2011 đạt 3.356 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 4.593,5 tỷ đồng.

Hiện toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I, 2 thị xã, 1 đô thị loại IV với dân số hơn 1,5 triệu người. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đư­ợc tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn; các vùng động lực phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội và quy mô đô thị các vùng động lực được nâng cao; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được quan tâm đầu tư.

Toàn tỉnh hiện có 344 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho 54.944 ha; 49 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện sinh khối và 2 nhà máy điện mặt trời với công suất 2.474,75 MW; có 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia và 99,76% hộ gia đình được sử dụng điện; 99% dân số đô thị được sử dụng nước sạch và 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Kết cấu hạ tầng về giáo dục, y tế, văn hóa; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông, thông tin... được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả tốt. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn NTM và TP. Pleiku được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Năm 2020, tỉnh có thêm 26 xã đăng ký đạt chuẩn NTM; huyện Kbang và huyện Đak Pơ đăng ký hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giá vật tư tăng cao, giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển theo hướng hàng hóa, duy trì tốc độ tăng trưởng; chú trọng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cánh đồng lớn, cơ giới hóa hoạt động sản xuất, tưới tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng. Đã có một số doanh nghiệp lớn, nhiều kinh nghiệm quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đầu tư các nhà máy chế biến tinh, chế biến sâu, nhất là các sản phẩm như sản phẩm từ cà phê, hồ tiêu, trái cây, chế biến súc sản... Tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2019 đạt 46,45%, tổng diện tích rừng trồng mới trong 4 năm (2016-2019) gần 20.000 ha.

Gia Lai cũng là một trong những địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện có 25 dự án thủy điện, 38 dự án điện mặt trời, 88 dự án điện gió các nhà đầu tư đang nghiên cứu khảo sát hoặc đã hoàn thành hồ sơ đề nghị bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến là 19.157,5 MW. Giai đoạn 2016-2019 đánh dấu sự chuyển biến tích cực về mặt chủ trương, định hướng của tỉnh về hoạt động du lịch. Tỉnh đã ban hành quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch; tập trung xây dựng các quy hoạch, đề án phát triển du lịch với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa du lịch thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của địa phương, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: PHAN NGUYÊN



Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác đầu tư với các địa phương, khu vực được chú trọng; các thành phần kinh tế được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện. Kinh tế tập thể (nòng cốt là hợp tác xã) tiếp tục được củng cố; doanh nghiệp nhà nước được tổ chức sắp xếp, cổ phần hóa đúng lộ trình; doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh về số lượng. Hiện toàn tỉnh có hơn 6.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng; một số doanh nghiệp lớn đã cơ cấu lại ngành nghề, mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đầu tư đa ngành nghề; niềm tin của doanh nghiệp, phong trào khởi nghiệp phát triển nhanh.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt được những thành tựu quan trọng. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,04% (không còn hộ nghèo là người có công); đời sống của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng căn cứ cách mạng luôn được quan tâm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%, bình quân giải quyết việc làm cho 25.000 lao động/năm. 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số được định cư, các hộ thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cơ bản được giải quyết. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết; công tác quốc phòng-an ninh được đẩy mạnh, đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo dựng được thế trận lòng dân... góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới

Những thành quả trên trở thành niềm tin, động lực để tỉnh Gia Lai tiếp tục phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46,23% dân số; tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86,71% tổng số hộ nghèo. Xuất phát điểm kinh tế còn thấp; giá cả một số mặt hàng nông sản không ổn định; ảnh hưởng của hạn hán làm sản xuất công nghiệp và nông nghiệp gặp khó khăn cục bộ. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp. Hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hạn chế...

Một góc TP. Pleiku hôm nay. Ảnh: Đức Thụy
Một góc TP. Pleiku hôm nay. Ảnh: Đức Thụy



Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) cùng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), coi đây là động lực cho phát triển.

Bên cạnh đó, rà soát các chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư. Định hướng kêu gọi các doanh nghiệp mạnh có thương hiệu về đầu tư tại địa phương để tạo sức bật cho nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác phù hợp, tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xem nông nghiệp là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư phát triển. Lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, riêng có tại địa phương, tạo ra sản phẩm chiến lược cho tỉnh, có nhu cầu, có tiềm năng thị trường trong và ngoài tỉnh để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực phát triển; khuyến khích đầu tư, chế biến các mặt hàng nông sản. Quan tâm xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng công nghiệp chế biến từ sản phẩm nông nghiệp. Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời phù hợp với lợi thế của tỉnh. Xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp như nhà máy sản xuất lốp ô tô, dây chuyền băng tải từ mủ cao su…

Song song với đó, tiếp tục hình thành, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, gắn với xây dựng thương hiệu. Đồng thời, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với lộ trình phù hợp, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng của tỉnh. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; khẩn trương xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Nam Pleiku; kêu gọi, khuyến khích đầu tư và tăng cường công tác quản lý hoạt động của các khu, cụm công nghiệp.

Một trong những giải pháp then chốt nữa là tăng cường triển khai các giải pháp để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Chú trọng tính hiệu quả của kế hoạch đầu tư công. Tập trung vốn cho các công trình quan trọng. Phối hợp với các tỉnh Bình Định, Kon Tum đề xuất Trung ương xây dựng đường cao tốc quốc lộ 19 từ Quy Nhơn lên Gia Lai, xây dựng đường nối Gia Lai với Phú Yên đoạn qua tỉnh Gia Lai, quy hoạch mở rộng Cảng Hàng không Pleiku với quy mô 4 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đề xuất mở một số tuyến quốc tế… để kết nối vùng nhằm tạo ra sự liên kết, thông suốt. Tập trung thu hút nguồn lực đầu tư từ kinh tế tư nhân đối với các doanh nghiệp lớn có khả năng làm đầu tàu thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực.

Võ Ngọc Thành
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

 

Có thể bạn quan tâm