Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông tại Hội nghị sơ kết công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ tháng 9-2022 vào sáng 31-8. Chủ trì hội nghị còn có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và Nguyễn Thị Thanh Lịch.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo UBND TP. Pleiku.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đức Thụy


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cho rằng: Trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng dưới quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nên đã cơ bản thực hiện tốt việc phòng-chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành tập trung nhìn nhận, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022. Trong đó, tập trung khắc phục tình trạng tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng còn chậm; tình hình thu chi ngân sách trên địa bàn giảm so với cùng kỳ năm trước; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ; chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép, trật tự an toàn xã hội còn xảy ra; dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng trở lại.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính. Ảnh: Đức Thụy


Dù công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được tỉnh chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện, giải ngân vẫn còn chậm. Tính đến ngày 26-8, tỉnh đã giải ngân 1.133,3 tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch vốn, đạt quá thấp so với trung bình chung của cả nước. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn còn chậm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho rằng: Quy trình thủ tục triển khai các dự án khởi công mới kéo dài, giá vật tư, vật liệu xây dựng biến động. Đặc biệt, do sự phối hợp giữa các địa phương, các chủ đầu tư với các sở, ngành từ khâu triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư đến thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán còn lúng túng, chưa chặt chẽ; công tác giải phóng mặt bằng chậm; năng lực một số ban quản lý dự án yếu; một số chủ đầu tư chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong công tác quản lý dự án, giám sát tiến độ công trình… Hiện nay, UBND tỉnh đã triển khai 4 Tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kiểm tra thực tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2022.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2022, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng kiến nghị: “Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát tất cả các dự án kêu gọi đầu tư có sử dụng đất hoàn thiện các thủ tục triển khai để vừa đảm bảo nguồn thu sử dụng đất, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Hiện tỉnh có 8 dự án còn đang thiếu các thủ tục đầu tư nên chưa triển khai nên chưa thể thu tiền sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầy tư sớm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công từ nguồn sử dụng đất cho phù hợp với khả năng thu”.

Đối với công tác chuẩn bị cho năm học mới, theo ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho biết: Trong năm học này, Sở đã đầu tư 383 tỷ đồng để xây dựng mới 346 phòng học, 110 phòng học chức năng, 9 phòng y tế, 9 phòng thư viện, sửa chữa 747 phòng học, sửa chữa 59 phòng chức năng. Đồng thời, Sở cũng đã đầu tư được 176 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị như bàn ghế, máy vi tính, ti vi, sách giáo khoa… phục vụ cho việc dạy và học trong năm học 2022-2023. Sở cũng đang phối hợp với Sở Nội vụ rà soát lại việc sắp xếp, sáp nhập trường, lớp cũng như nâng sĩ số học sinh/lớp lên đúng theo quy định của Bộ (trong đó, Tiểu học 35 học sinh/lớp, THCS 45 học sinh/lớp). Sau đó sẽ tiến hành phân bổ chỉ tiêu 1.244 biên chế giáo viên mà Trung ương đã cho, nếu làm tốt việc này thì cơ bản số giáo viên đứng lớp đảm bảo đúng quy định.

 

Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Nói về công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thông tin: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 có xu hướng gia tăng trong trong tháng 8, trung bình mỗi ngày có từ 20-45 ca nhiễm mới. Vì vậy, trong thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 dự báo sẽ diễn biến khó lường hơn, nguy cơ có thể bùng phát dịch trở lại trên địa bàn tỉnh. Sở đang tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống dịch có hiệu quả được Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn. Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 theo đúng kế hoạch đề ra.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị: Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tham mưu UBND triển khai các nội dung liên quan đến năm học mới. Đặc biệt là việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho các khối lớp 3, 7, 10; trong đó, cần phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm hỗ trợ sách giáo khoa cho các em học sinh. Đồng thời, nghiêm cấm tình trạng lạm thu trong nhà trường vào đầu năm học, nhất là việc giao cho các Ban đại diện phụ huynh học sinh thu các khoản ngoài học phí.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Y tế nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn. Tỉnh ta được Bộ Y tế ưu tiên trong triển khai chương trình tiêm vắc xin bạch hầu, nếu chúng ta không triển khai kịp thời mà để bị thu hồi thì Sở Y tế phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, Sở cần quyết liệt triển khai nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19; đồng thời, nhanh chóng rà soát, kiểm tra thực tế tại các cơ sở y tế tình trạng thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng-chống dịch Covid-19 để đề xuất tỉnh hướng giải quyết kịp thời.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông yêu cầu: Các sở, ngành cần tập trung rà soát tất cả các chỉ tiêu, những việc tồn đọng liên quan đến ngành, lĩnh vực mình thì tập trung xử lý dứt điểm. Qua đó, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong những tháng còn lại nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2022. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo đúng quy định; rà soát, khẩn trương đề xuất UBND tỉnh xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài chính làm việc với các đơn vị liên quan đánh giá lại từng khoản thu, trong đó, xác định những khoản nào còn dư địa thì tập trung triển khai thu nhằm đạt và vượt 10% so với dự toán được giao. Sở Nội vụ và các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quy định của Trung ương và Tỉnh ủy. Tăng cường kiểm tra, rà soát việc sử dụng biên chế của các đơn vị; rà soát, kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý còn thiếu của các sở, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh... Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Chư Pưh và Krông Pa. Hoàn thiện hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Gia Lai; hướng dẫn các địa phương triển khai lập Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 và tổng hợp danh mục các công trình dự án cần thu hồi đất và danh mục các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thực hiện trong năm 2023…

 

QUANG TẤN

 

Có thể bạn quan tâm