Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Gia Lai thực hiện quy chế quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sự cố cháy, nổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Công văn 2263/UBND-NC ban hành ngày 6-10, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện quy chế quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sự cố, cháy, nổ, gây hậu quả nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị, địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần xác định rõ công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân; thực hiện quy chế quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sự cố, cháy, nổ, gây hậu quả nghiêm trọng tại cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT... trên địa bàn tỉnh. 

Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Hà Duy
Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Hà Duy

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về đảm bảo ANTT, quy định về an toàn PCCC và CNCH, cách sử dụng thiết bị chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm... cho cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng Nhân dân, nhất là chủ cơ sở, người trực tiếp quản lý, điều hành tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cao về cháy, nổ; nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn dân trong công tác phòng ngừa cháy, nổ, đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường triển khai các nhiệm vụ, đảm bảo an toàn PCCC và CNCH. Trong đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH theo phân công, phân cấp; triển khai cao điểm tổng kiểm tra toàn diện việc chấp hành quy định về đảm bảo ANTT, an toàn PCCC và CNCH đối với tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế về điều kiện về an toàn PCCC; siết chặt, nâng cao chất lượng công tác PCCC và CNCH trong đầu tư, xây dựng (thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC), công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar và các loại hình cơ sở kinh doanh tương tự.

Đồng thời, thường xuyên mở lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH, hướng dẫn các cơ sở xây dựng và tổ chức thực tập phương án phòng ngừa, giải quyết sự cố, cháy, nổ, nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý ban đầu, hạn chế tối đa thiệt hại; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH. 

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân PCCC, phát huy, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”... tại địa bàn. Củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng, tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng này trong công tác xử lý sự cố, cháy, nổ ngay từ cơ sở; yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt,….); trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 150 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar. 

PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm