Gia Lai: Tích cực xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã không ngừng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đến nay, công tác xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường đã tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các trường học trên địa bàn.

Trường học thân thiện, học sinh tích cực

Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Chư Sê được thành lập từ năm 2003 với 800 học sinh/21 lớp học. Ngôi trường ngợp màu xanh của những tán cây bằng lăng, xà cừ làm cho không gian mát rượi. Khu thể dục thể thao của các em rộng thoáng, có đường băng chạy cho các em yêu thích môn chạy bộ... phong trào dạy và học tại đây rất sôi nổi và đạt nhiều thành tích cao, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, 5 năm liền trường đạt chuẩn quốc gia, có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia...

 

Học sinh tham gia văn nghệ, đánh cồng chiêng sau những giờ học căng thẳng. Ảnh: N.T

Cô Nguyễn Thị Bé-Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát cho biết: “Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn, tạo tâm lý thích thú cho học sinh khi đến trường. Điểm nhấn trong thực hiện phong trào là nhà trường tập trung chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh. Nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa của cán bộ nhân viên, học sinh trong nhà trường rất cụ thể để quy định, điều chỉnh hành vi của giáo viên, học sinh nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện”.

“Trong quá trình học bài, em mạnh dạn trao đổi với thầy cô. Thầy cô rất nhẹ nhàng, nhiệt tình chỉ dạy cho em, tạo tinh thần thoải mái cho em tiếp thu bài. Ngoài ra, chúng em còn có sân trường rộng, thoáng thuận tiện để chúng em tham gia đánh bóng chuyền, chạy bộ nâng cao sức khỏe nên em rất thích khi đến trường”. Em Đỗ Thị Ngọc Thùy (lớp 8A5, Trường THCS Cao Bá Quát) vui vẻ nói.

Giáo dục văn hóa học đường là tạo ra những nét đẹp trong hành vi của học sinh đối với các mối quan hệ thầy trò, môi trường xung quanh. Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah cũng là một trong những trường đã xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa thầy và trò trong một môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn. Năm học 2015-2016 trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động. Tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đạt 98%, nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh, quốc gia. Cô Lê Thị Mỹ Bình-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa cho biết: “Nhà trường luôn tạo dựng bầu không khí cởi mở, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau. Mỗi cán bộ, giáo viên cần phải có ý thức trách nhiệm trong việc dạy và học, coi trọng con người. Đồng thời khuyến khích giáo viên nâng cao chất lượng dạy học, làm việc nhóm và trao đổi, sự tôn trọng giữa thầy và trò tạo sự thân thiện, kích thích học hỏi ở học sinh...”.

Nâng cao kỹ năng sống, văn hóa ứng xử

 

Học sinh tự giác trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Ảnh: N.T

Đến thăm Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia grai trong tiết sinh hoạt văn nghệ của học sinh, chúng tôi không khỏi bất ngờ ở đây ngoài giờ học các chương trình trong sách giáo khoa, 100% học sinh dân tộc thiểu số được nhà trường thuê thầy về dạy văn nghệ, đánh cồng chiêng. Ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, các em còn được trang bị thêm võ Vovina để tự vệ, đảm bảo an toàn cho bản thân. Ngoài giờ học, các lớp còn phân công thay phiên chăm sóc vườn rau sạch để cải thiện bữa ăn cho mình. Em Rơ Mah Ý (lớp 9, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia grai) chia sẻ: “Ở trường em được tham gia các hoạt động bổ ích như thi nghi thức, học võ, trồng cây để trang bị thêm kỹ năng sống, giúp em giảm bớt căng thẳng sau mỗi giờ học và tự tin hơn trong giao tiếp”.

Thực hiện công tác xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Đến nay, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao đặc biệt là thể dục giữa giờ có nhiều chuyển biến tích cực như trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku), trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê)... các trường đã hoàn thành bộ quy tắc ứng xử, sử dụng các khẩu hiệu; thành lập nhiều mô hình câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với nội dung giáo dục, rèn luyện ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho học sinh; tổ chức các hoạt động và phong trào vui chơi, giải trí lành mạnh gắn với phong trào thi đua học tập, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng, nhân cách của học sinh. Đến nay, đã có 100/827 trường được cấp chứng nhận trường đạt chuẩn an Trường học an toàn.

Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Trong thời gian đến, ngoài các văn bản chỉ đạo các đơn vị xây dựng Trường học an toàn, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện tốt các việc phối hợp giữa nhà trường với các lực lượng bên ngoài nhà trường trong công tác giáo dục học sinh. Mỗi trường học cần tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy tắc ứng xử môi trường văn hóa phù hợp với từng lứa tuổi học sinh ở từng bậc học, cấp học... phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 90% trường đạt chuẩn Trường học an toàn...”.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm