Kinh tế

Gia Lai: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo và xây dựng NTM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 10 năm (2007-2017) triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cho thấy, tín dụng chính sách không đơn thuần là “đòn bẩy” hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn là nhân tố tích cực góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp người dân nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
 

Ảnh internet
Ảnh internet

* Ông KPĂ ĐÔ-Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai:

Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh triển khai thực hiện các chương trình tín dụng dành cho đồng bào DTTS. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cũng như giữ ổn định an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Để tín dụng chính sách đến với đối tượng thụ hưởng, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, các đoàn thể nhận ủy thác, Ban Xóa đói giảm nghèo, Tổ tiết kiệm và Vay vốn thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS; xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn vay từng năm và cả giai đoạn; chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn rà soát, tổng hợp danh sách và nhu cầu vay vốn của các hộ đồng bào DTTS...

Một điều cần lưu ý, để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả của tín dụng CSXH, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến khâu tuyên truyền, vận động chuyển đổi nhận thức cho đồng bào DTTS. Mặt khác, tăng cường chỉ đạo gắn kết vốn tín dụng chính sách với mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương. Làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đặc biệt là định hướng phát triển kinh tế theo lợi thế của từng vùng, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

* Ông KPĂ NGUN-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa:

Huyện Krông Pa có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 3 trong tỉnh (sau Kông Chro, Ia Pa). Đầu năm 2018, huyện còn 4.853 hộ nghèo, chiếm 6,4%; hộ nghèo đồng bào DTTS là 4.382 hộ, chiếm 90,29% tổng số hộ nghèo và chiếm 37,3% số hộ đồng bào DTTS. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là giảm nghèo trong đồng bào DTTS.

Qua 10 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn huyện đạt 263,62 tỷ đồng/10.050 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ hộ đồng bào DTTS đạt 172,103 tỷ đồng/8.303 hộ dư nợ, chiếm 65,52% dư nợ tín dụng chính sách toàn huyện. Từ nguồn vốn này, 1.750 hộ vay đã thoát nghèo, 560 hộ thoát cận nghèo, hơn 300 lao động có việc làm, xây dựng trên 3.250 công trình nhà vệ sinh và nước sạch, trên 420 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Cũng từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương trên 5%/hàng năm.

* Bà KSOR H’AYẾT-người dân làng Klăh 2,  xã Ia Dêr, huyện Ia Grai:

Năm 2013, tôi đã mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách để đầu tư trồng cà phê và lúa nước 2 vụ.  Nhờ đó, kinh tế gia đình đã dần ổn định. Năm 2016, gia đình tôi đã thoát nghèo. Từ một người không có vốn sản xuất, cái đói cái nghèo còn đeo bám, giờ đây, tôi đã biết tích lũy tiết kiệm, có trong tay 800 cây cà phê kinh doanh, 3 sào lúa, 1 con heo nái, 12 con heo thịt, thu nhập 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư. Khi đời sống đã khá hơn, tôi có điều kiện giúp đỡ bà con trong làng cùng vươn lên thoát nghèo. Sắp tới, tôi dự định sẽ trồng thêm cây ăn trái trên 5 sào đất mới, mua thêm bò sinh sản và sửa sang nhà cửa.

Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm