Gia Lai: Tràn lan thực phẩm không an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay tại Trung tâm TP.Pleiku, trong ngày đầu tiến hành thanh tra, kiểm tra về đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, Đoàn liên ngành của tỉnh đã phát hiện, thu giữ nhiều loại bánh, kẹo có nguồn gốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, qua thử nhanh phát hiện cả 2 mẫu hạt dưa và kẹo bi đều cho kết quả dương tính với phẩm màu công nghiệp, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Chủ quầy 16 TTTM nơi đoàn thanh tra phát hiện thịt bò khô không an toàn thực phẩm. Ảnh: Nguyễn Giác

Trái ngược hẳn với dịp Tết năm ngoái, khi nhiều chủ hàng kinh doanh lượng lớn bánh, kẹo đều “ngoãnh mặt” thờ ơ với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa Trung Quốc nhập lậu không có tem nhãn phụ thì năm nay, những loại hàng này lại rộ lên một cách bất thường. Trước vấn đề này, đoàn kiểm tra đã “mạnh tay” phối hợp cùng Ban quản lý Trung tâm thương mại (TTTM) TP.Pleiku để tiến hành niêm phong, thu giữ số hàng vi phạm.

Qua kiểm tra tại 19/22 quầy hàng kinh doanh bánh, kẹo Tết tại TTTM phần lớn nơi kiểm tra đều phát hiện hàng hóa những loại thực phẩm “3 không” (Không nguồn gốc, không tem nhãn, không đảm bảo chất lượng). Trong đó một số quầy có lượng hàng hóa không đảm bảo: Quầy 16 do bà Đài Thị Phú- chủ kinh doanh, tại đây đoàn phát hiện hàng chục loại thịt bò khô, nai khô không rõ nguồn gốc đang trong tình trạng khô, mốc. Khi được hỏi, thì bà Phú chìa ra một sấp nhãn được in sẵn có ghi do cơ sở Lan Chi- TP. Buôn Ma Thuột (Đak Lak) sản xuất, điều khó hiểu hơn được bà Phú giải thích: Ai mua cần tem nhãn thì tôi cho vào bao và ghi ngày tháng sản xuất vì loại hàng này rất khó hỏng?
Các tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại TTTM. Ảnh: Nguyễn Giác

Cùng với sự giải thích thiếu hiểu biết trong kinh doanh thực phẩm trên thì nhiều chủ quầy như bà Huynh tại lô 56A2; bà Hóa quầy 34 (nhà lồng) sau khi phát hiện các loại thực phẩm: Lạp xưởng, hạt dưa, bánh, kẹo… ghi đầy chữ nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ… thì họ cho rằng: Hàng hóa khan hiếm, chủ hàng trong nước không có, giá cao nên chúng tôi lấy về bán cho vừa thu nhập của nhiều người dân….

Ngoài số hàng hóa vi phạm được Đoàn liên ngành niêm phong thu giữ, thì bộ phận xét nghiệm đi cùng đã tiến hành kiểm tra nhanh 2 sản phẩm hạt dưa bán tại lô 18 của bà Ngô Thị Quý và kẹo bi tại lô 18b do bà Nguyễn Thị Thy kinh doanh, thì cả 2 sản phẩm đều cho kết quả dương tính với phẩm màu công nghiệp (phẩm màu gốc kiềm) không được phép sử dụng trong thực phẩm. Giải thích về việc kinh doanh loại hạt dưa có màu đỏ tươi không an toàn trên, bà Quý cho rằng: Mua đi bán lại, người dân hỏi nhiều có người chào hàng nên tôi mua về để bán.

Theo ông Trần Văn Tư- Trưởng Ban quản lý TTTM: Bà Quý là 1 trong 8 lô phát sinh vừa đăng ký kinh doanh bánh kẹo từ đầu tháng, họ thường buôn bán đủ loại rau, củ trước khi kinh doanh bánh, kẹo nên không nhận thức được đâu là hàng hóa không an toàn. Chúng tôi sẽ phối hợp cơ quan chuyên môn của Sở Y tế để người dân được tập huấn trong thời gian đến.

Siêu thị Co.op Mart TP. Pleiku điểm mua sắm được nhiều người dân lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Giác

Nhận xét về kết quả trong ngày đầu tiên kiểm tra trong đợt cao điểm dịp Tết Nguyên đán, ông Trần Quang Khâm- Chánh Thanh tra Sở Y tế, Trưởng đoàn liên ngành của tỉnh: Siêu thị Co.op Mart TP. Pleiku và TTTM là nơi có lượng hàng tập trung phục vụ Tết thì chỉ có những hộ kinh doanh bánh, kẹo tại TTTM vi phạm. Với những gì phát hiện sai phạm, bị thu giữ sẽ còn nhiều hàng hóa không an toàn tồn đọng và sẽ đưa đi nơi khác để tiêu thụ do vậy Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương rà soát kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Ngoài tăng cường giáo dục về hiểu biết của chủ kinh doanh thực phẩm thì người tiêu dùng cũng là đối tượng mong muốn sẽ nhận thấy đâu là thực phẩm an toàn để sử dụng trong gia đình, không vì những loại hàng có mẫu mã bắt mắt, giá rẻ mà mua về sử dụng. 
Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm