(GLO)- Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị. Nhờ vậy, qua 10 năm thực hiện chỉ thị này, tỉnh Gia Lai đã đạt được một số kết quả tích cực.
Đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 4.892 doanh nghiệp đang hoạt động với 85.735 lao động. Trong đó, có 32 doanh nghiệp nhà nước với 29.358 lao động, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 831 lao động và 4.856 doanh nghiệp dân doanh với 55.546 lao động.
Đến nay, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là chủ doanh nghiệp và người lao động về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp ngày càng được nâng lên; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho chủ doanh nghiệp và người lao động được đẩy mạnh, không để xảy ra tranh chấp lao động, đình công tự phát. Nhiều doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của tổ chức Đảng và các tổ chức đại diện người lao động đối với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của tổ chức Đảng và các tổ chức đại diện người lao động đối với sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. (ảnh internet) |
Các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại; đưa nội dung nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp vào nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức và thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để đoàn viên, người lao động chủ động tham gia học tập với các hình thức phù hợp. Đẩy mạnh phong trào học tập văn hóa, nghề nghiệp nhằm nâng cao và tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động học tập nâng cao tay nghề; vận động, tổ chức và phối hợp chính quyền tổ chức đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân tại chỗ, tổ chức thi nâng bậc thợ định kỳ hàng năm; tổ chức phong trào luyện tay nghề, nâng bậc thợ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Trong 10 năm (2008-2018), số công nhân viên chức, người lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn là 7.769 người (chiếm 12%); nâng cao kỹ năng nghề nghiệp là 15.717 người (chiếm 25%); ngoại ngữ 2.478 người, tin học 3.986 người; thi tay nghề thợ giỏi 1.890 người.
Trong 10 năm (2008-2018), Công đoàn các cấp đã tham gia giải quyết việc làm, chăm lo đời sống của đoàn viên và người lao động thông qua hoạt động bảo lãnh, tín chấp cho đoàn viên, người lao động vay vốn từ nguồn địa phương và Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm do Tổng Liên đoàn Lao động phân bổ với 40 lượt dự án, tổng số tiền hơn 4,65 tỷ đồng xoay vòng. Ngoài ra, Công đoàn các cấp đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tín chấp cho hàng chục ngàn lượt đoàn viên, lao động được vay vốn ngân hàng để sửa chữa nhà ở, mua sắm phương tiện đi lại, vật dụng gia đình với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Trong 10 năm thực hiện Chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” đã có 157 hộ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Công đoàn được triển khai thường xuyên và sâu rộng, đoàn viên và người lao động luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu đóng góp chủ yếu trong các cuộc vận động xã hội, nhân đạo, xây dựng các quỹ: “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, hỗ trợ nhân dân các tỉnh bị thiên tai, lũ lụt… do MTTQ và Công đoàn các cấp phát động với giá trị đóng góp mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Các cấp Công đoàn đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực hưởng ứng chiến dịch hiến máu tình nguyện với gần 2.000 lượt người tham gia hiến hàng ngàn đơn vị máu mỗi năm.
Công tác phát triển, củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn tiếp tục được quan tâm và có chuyển biến tích cực. Tính cuối năm 2018, tổng số đoàn viên Công đoàn tại khu vực các loại hình doanh nghiệp là 10.909 đoàn viên/12.309 công nhân viên chức, lao động với 236 Công đoàn cơ sở (kể cả sự nghiệp ngoài công lập); tỷ lệ tập hợp công nhân lao động khu vực các loại hình doanh nghiệp (tại nơi đã thành lập Công đoàn cơ sở) đạt 88,62%. Với phương châm phòng ngừa và chủ động tham gia giải quyết tranh chấp lao động thông qua thương lượng, hòa giải ngay tại nơi xảy ra tranh chấp nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ ở doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở chủ động thành lập hội đồng hòa giải lao động ở cơ sở, trong đó có đại diện của ban chấp hành Công đoàn cơ sở để giải quyết các tranh chấp lao động theo luật định. Đến nay, có 60% doanh nghiệp nhà nước và 40% doanh nghiệp ngoài nhà nước thành lập hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Hầu hết các bất đồng trong quan hệ lao động ở các doanh nghiệp đều được Công đoàn tham gia cùng người sử dụng lao động giải quyết kịp thời.
Nhìn chung, qua 10 năm tích cực thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, tỉnh Gia Lai đã cơ bản xây dựng đồng bộ và đi vào vận hành hệ thống quan hệ lao động phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, tạo nền tảng duy trì, phát triển mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ cho những năm tiếp theo.
NGỌC HẢI