(GLO)- Bằng trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo, những nghệ nhân tạc tượng ở huyện Ia Grai đã “thổi hồn” vào những khúc gỗ vô tri vô giác, sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Trước khoảnh sân nhỏ nơi góc vườn, ông Rơ Châm B'Líp (làng De Lung 1, xã Ia Tô) đang say sưa tạc bức tượng người đàn bà ôm mặt khóc từ thân gỗ mít. Không máy móc hiện đại, không bản phác họa, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ là búa, rựa, rìu, đục…, ông B'Líp đã tỉ mỉ sáng tạo nên những bức tượng khắc họa hình ảnh đời thường từ lao động sản xuất đến sinh hoạt cộng đồng của người Jrai. Dừng tay uống nước, ông B'Líp kể: Từ nhỏ ông đã theo cha vào rừng tìm gỗ tạc tượng. Ngắm nhìn cha tạc tượng, ông say mê và tự hào nét đẹp truyền thống dân tộc rồi dần dà học làm theo. Mỗi khi làng có pơ thi (lễ bỏ mả), ông B'Líp cùng với các nghệ nhân tập trung lại cùng nhau để tạc những bức tượng với đủ hình thù khác nhau như mẹ bồng con, người phụ nữ đang giã gạo, người đàn ông săn bắn… “Người Jrai chúng tôi quan niệm những bức tượng được đặt quanh nhà mồ có nhiệm vụ bầu bạn với linh hồn của những người đã mất để cùng họ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn; giúp người chết không còn vướng bận hay quấy rầy cuộc sống hiện tại của người thân”-ông B'Líp chia sẻ.
Nghệ nhân Rơ Châm B'Líp đang say sưa tạc tượng. Ảnh: P.T |
Ngoài ông B'Líp, ông Rơ Mah K'Lúi (cùng làng De Lung 1) cũng có tiếng là người tạc tượng giỏi ở xã Ia Tô. Gần 30 năm gắn bó với nghề tạc tượng, ông K'Lúi không nhớ mình đã tạc được bao nhiêu bức tượng. Nhưng tất cả tượng được ông tạc nên đều có điểm chung là đều thô mộc như chính tính cách, con người Tây Nguyên vậy. Vừa đẽo những đường nét cơ bản của bức tượng mẹ bồng con từ thân gỗ mít, ông K'Lúi cho hay: Trước kia, số người biết tạc tượng rất nhiều; nhưng dần dà, những người lớn tuổi mất đi, người trẻ thì không mấy mặn mà với việc theo học nên số người biết tạc tượng giờ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu dần cạn kiệt, để tìm được một khúc gỗ tốt tạc nên một bức tượng đẹp không phải là việc dễ dàng. “Nhưng tôi quyết không để nghệ thuật tạc tượng dân gian bị mai một. Nếu thanh niên trong làng tìm đến học, tôi sẽ dạy cho chúng đẽo tượng. Sau này tôi mất đi, con cháu trong làng còn biết đến nghề này, khỏi mất đi nét đẹp văn hóa của người Jrai mình”-ông K'Lúi tâm tư.
Trao đổi với P.V, ông Rơ Mah K'Lin-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tô-cho biết: Tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên vừa qua, nghệ nhân Rơ Châm B'Líp và Rơ Mah K'Lúi vinh dự là đại diện của huyện Ia Grai tham gia trình diễn tạc tượng gỗ dân gian. Đối với 2 ông, tạc tượng không chỉ là niềm yêu thích mà còn là nhiệm vụ giữ gìn truyền thống của dân tộc mình. “Thời gian đến, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích các nghệ nhân giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc này, cũng như đề xuất chính quyền cấp trên thường xuyên tổ chức các hội thi trình diễn tạc tượng để thu hút thanh niên tham gia học hỏi, từ đó cùng giữ gìn nét đẹp truyền thống của đồng bào Jrai”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tô cho biết thêm.
Phan Thương