Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Theo thống kê, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại tỉnh Gia Lai đang có chiều hướng gia tăng. Gia Lai cũng như cả nước sẽ rơi vào tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong vòng 15-20 năm nữa”-ông Lê Ngọc Lân-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh-cho biết.
Theo ông Lân, thực hiện đề án “Kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, những năm qua, ngành dân số tỉnh đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Hiện nay, tỷ số giới tính ở tỉnh ta là 115 bé trai/100 bé gái, trong khi cả nước là 112,67 bé trai/100 bé gái. Hiện tỷ số này vẫn ở mức cho phép nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh do tâm lý thích con trai để nối dõi tông đường, có con trai làm chỗ dựa khi về già. Nhất là trong tình hình hiện nay, với sự can thiệp của y học hiện đại, việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng dễ dàng trong khi việc thực thi luật pháp trong lĩnh vực này chưa được sát sao, khiến tỷ lệ mất cân bằng giới tính thai nhi ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh. Ảnh: Đ.Y
“Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh được dự báo trong 15-20 năm tới là số lượng nam giới sẽ dư thừa rất lớn so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành, đồng nghĩa với việc rất nhiều nam giới có thể không lấy được vợ hoặc khó khăn trong việc tìm vợ. Việc nhiều đàn ông đến tuổi kết hôn nhưng không tìm được bạn đời có thể gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội”-ông Lân chia sẻ.
Thành phố Pleiku là địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Bà Đinh Thị Thúy Kiều-Trưởng phòng Dân số Trung tâm Y tế TP. Pleiku-cho biết: Từ năm 2013 trở về trước, ngành dân số TP. Pleiku đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng chưa đạt yêu cầu, tỷ số giới tính vẫn ở mức 112 nam/100 nữ. Lý do là các biện pháp này còn chú trọng nhiều về kỹ thuật như: cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai, lựa chọn giới tính... trong khi giải pháp căn cơ nhất là nâng cao nhận thức người dân để từ đó thay đổi hành vi thì chưa thật hiệu quả.
“Vì vậy, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức đúng về bình đẳng giới để thiết lập lại cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh thông qua các hội nghị, hội thảo. Khi được “đả thông”, mọi người tự giác không tham gia quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm. Nhờ đó, tỷ số giới tính thai nhi ở TP. Pleiku hiện nay là 108 nam/100 nữ”-bà Kiều cho hay.
Nhiều năm qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông, cụ thể là Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh mở chuyên mục tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số, qua đó từng bước vận động, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu “trọng nam, khinh nữ”. Đồng thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tham mưu cho cơ quan chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Nâng cao hiệu quả truyền thông, tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân tại địa bàn cư trú thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số-kế hoạch hóa gia đình, nhân viên y tế thôn, làng; tổ chức tư vấn trực tiếp cho nam-nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, người cung cấp dịch vụ liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi; tăng cường sự tham gia của nam giới trong các hoạt động truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh.
“Thời gian tới, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tiếp tục kết hợp giáo dục về giới và bình đẳng giới, về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình học chính khóa, nhất là các môn Sinh học và Giáo dục công dân cho học sinh THCS, THPT. Đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp nhằm tăng cường thời lượng giáo dục giới và bình đẳng giới. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và các nội dung liên quan cho cán bộ, nhân viên y tế. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh-kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm đối với việc lựa chọn giới tính thai nhi”-ông Lân nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm