Thời gian qua, cây hồ tiêu ở Tây Nguyên chết hàng loạt khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng. Bên cạnh yếu tố thời tiết, khí hậu, nguyên nhân chính vẫn là do nông dân chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất, lạm dụng các loại hóa chất. Trước nguy cơ vùng hồ tiêu Chư Sê bị lụi tàn, cơ quan chức năng và các nhà khoa học nhanh chóng cho ra đời các chế phẩm hữu cơ sinh học đặc biệt, mang lại màu xanh cho cây hồ tiêu Chư Sê.
Cứu sống hàng ngàn ha hồ tiêu
Gia đình ông Trịnh Xuân Điền (thôn 2, xã Ea Bhôk, huyện Chư Kuin, Đak Lak) có vườn hồ tiêu đã 10 năm tuổi. Cách đây 2 tháng, vườn tiêu hơn 350 trụ bị héo rũ hoàn toàn. Trước nguy cơ vườn tiêu bị xóa sổ, ông Điền tìm đến các cơ quan chức năng và các công ty bảo vệ thực vật nhưng họ đều lắc đầu. Họ cho biết nguyên nhân vườn tiêu bị như vậy là do ông đã phun nhầm thuốc trừ cỏ cực độc.
Nhà khoa học- Doanh nghiệp đang đồng hành cùng nhà nông. Ảnh: N.L |
Thời gian qua, hàng ngàn ha hồ tiêu ở Chư Sê cứ lụi tàn mà chưa tìm ra thuốc chữa. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 1 ngàn ha hồ tiêu đã bị chết. Các cơ quan chức năng ở địa phương, Hiệp hội Hồ tiêu và cả những nông dân có kinh nghiệm nhiều chục năm trồng hồ tiêu ở Chư Sê cũng chưa tìm ra phương thuốc hữu hiệu. Họ phân tích nhiều nguyên nhân khiến tiêu chết như: Rệp sáp, tuyến trùng, già cỗi, giống kém chất lượng, kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo… đồng thời đưa ra nhiều biện pháp phòng trừ, nhưng hiệu quả không đáng kể.
Một ngày gần đây, nông dân Lê Đình Thịnh (làng Ró Nhỏ, xã Al Bá, huyện Chư Sê) có 2.000 trụ tiêu đang bị “bệnh” và chết dần. Tình cờ ông nghe được thông tin về một loại chế phẩm hữu cơ sinh học có thể cứu được cây tiêu, ông đã tìm đến tỉnh Đak Lak với tia hy vọng cuối cùng.
Ông Thịnh cho biết: “Tiêu là cây rất “khó tính”. Lúc mới trồng thì lên rất tốt, nhưng đến năm thứ 3 khi bắt đầu có trái thì cứ chết rải rác. Thời gian gần đây, tiêu chết lụi hàng loạt từ trên ngọn xuống với tỷ lệ 50-60%. Choáng váng trước nguy cơ vườn tiêu bị xóa sổ, tôi đã sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng không có hiệu quả. Khi nghe thông tin về chế phẩm sinh học hữu cơ AH, KH và NH của Công ty Thanh Hà, tôi đã lặn lội sang tỉnh Đak Lak mua về phun và tưới cho gốc tiêu. May mắn là cây chịu thuốc nên bây giờ vườn tiêu đã được phục hồi”.
Sản xuất “sạch” là tất yếu
Bằng kinh nghiệm mấy chục năm trồng hồ tiêu, ông Hoàng Phước Bính- Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho rằng: “Chúng tôi đã phối hợp với Công ty cổ phần Thanh Hà để ứng dụng chế phẩm hữu cơ sinh học AH, NH và KH để hỗ trợ, tăng sức đề kháng, cân bằng cho đất và cho cây, hiệu quả rất thiết thực. Qua việc này, chúng tôi khuyến cáo nông dân cần sản xuất theo hướng bền vững, phải ứng dụng công nghệ sinh học thân thiện với môi trường nhằm tạo ra sản phẩm “sạch”. Để thực hiện được việc này, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay từ ban đầu”.
Tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất nông nghiệp bền vững ở Gia Lai là ông Nguyễn Văn Quéo (thị trấn Chư Sê). Cùng với việc chọn giống sạch bệnh, tuân thủ quy trình sản xuất, ông luôn quan tâm đến sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường nên năng suất hồ tiêu của gia đình ông luôn đạt hơn 10 tấn/ha. Cựu chiến binh Ngô Công Đoan ở xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) cũng đã đầu tư trang trại hồ tiêu gần 6 ha theo hướng bền vững. Ông đã sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý phân hữu cơ, không có sự can thiệp của hóa chất và đã cho hiệu quả cao.
Với các chế phẩm hữu cơ sinh học AH, KH, NH (giải nhất Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ VN 2005), Công ty cổ phần Thanh Hà (Hà Nội) đã từng cứu sống những cánh đồng lúa chết rét ở miền Bắc, giúp hoa màu ở vùng chiêm trũng chua phèn khỏi bệnh, cứu lúa bị vàng lùn- lùn xoắn lá ở đồng bằng sông Cửu Long, chanh dây, địa lan (Đà Lạt), cà phê rụng quả ở Lâm Đồng và hiện nay là cứu các vườn hồ tiêu ở Tây Nguyên. Thạc sĩ Nguyễn Anh Kết- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Hà là người tâm huyết, gắn bó với nông dân. Ông luôn mong muốn các nhà khoa học sát cánh cùng doanh nghiệp, đồng hành cùng nông dân để đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bền vững.
Ngọc Linh