(GLO)- Do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên một số công trình, dự án trọng điểm chuyển tiếp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã bị chậm so với kế hoạch. Để khắc phục tình trạng này, các đơn vị liên quan đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án.
Dự án đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 7-6-2017. Dự án có tổng mức đầu tư 880 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Tổng chiều dài toàn tuyến là 114 km. Trong đó, chiều dài tận dụng đường cũ là 20,75 km, xây dựng mới 93,25 km. Ngoài ra, trên tuyến còn đầu tư xây dựng mới 18 cầu bê tông cốt thép với bề rộng 8 m. Dự án được đầu tư với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường bê tông nhựa rộng 5,5 m, nền đường rộng 7,5 m. Tuyến đường khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa, giao lưu kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các địa phương, khắc phục những “điểm đen” tai nạn giao thông. Chính vì tầm quan trọng đó nên lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để công trình kịp hoàn thành vào cuối tháng 12-2019 theo kế hoạch.
Dự án đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: H.D |
Tuy nhiên, dự án vẫn đang vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng ở đoạn qua thôn 7, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah. Cụ thể, căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Quế nằm cách mốc giải phóng mặt bằng khoảng 0,5 m, toàn bộ phần diện tích còn lại là 1.061 m2 mặc dù không thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án này nhưng lại nằm hoàn toàn trong hành lang đường bộ của tuyến đường nên không đủ điều kiện để xây dựng nhà ở mới. Thêm nữa, đường đi từ hướng làng Bàng (xã Ia Nhin) tới phía nhà bà Quế hơi dốc nên khi con đường hoàn thành, phương tiện lưu thông sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sự an toàn của gia đình. Vì vậy, bà Quế yêu cầu phải bồi thường toàn bộ ngôi nhà để gia đình chuyển đến nơi khác xây dựng nhà ở. Về điều này, ông Phùng Văn Việt-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đại diện đơn vị chủ đầu tư-cho biết: “Cái khó là toàn bộ nhà ở này nằm ngoài phạm vi mốc giải phóng mặt bằng, không thuộc diện tích đất thu hồi nên UBND huyện và Hội đồng bồi thường, hỗ trợ huyện không có cơ sở để giải quyết”.
Cũng đang vướng vấn đề giải phóng mặt bằng là dự án hồ chứa nước Tầu Dầu 2 (xã Cư An, huyện Đak Pơ). Đây là công trình phúc lợi xã hội, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 555 ha cây trồng và nước sinh hoạt cho 20.000 người dân, đồng thời cấp nước phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Dự án có tổng mức đầu tư 197 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Triển khai dự án này, có 61 ha đất của 51 hộ thuộc xã Cư An, Tân An và thị trấn Đak Pơ phải thu hồi để xây dựng lòng hồ. Hiện đã có 39/51 hộ đồng ý với phương án đền bù, bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha bao gồm đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên vẫn có một số hộ chưa đồng thuận.
Một trong những yếu tố quan trọng để công trình, dự án triển khai đúng tiến độ là phải có mặt bằng sạch. Tuy nhiên lâu nay, việc đền bù, giải phóng mặt bằng nhiều dự án thường gặp khó khăn và nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Nguyên nhân phần lớn là do người dân không đồng thuận về giá đền bù. Ông Trần Anh Dũng-Trưởng phòng Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: “Năm 2019, vấn đề giải phóng mặt bằng gần như thuận lợi đối với các dự án khởi công mới, còn vướng chủ yếu là ở các công trình trọng điểm chuyển tiếp như: kè chống sạt lở suối Hội Phú, kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun, đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông, hồ chứa nước Tầu Dầu 2... Hiện chủ đầu tư và các địa phương đang nỗ lực tuyên truyền, thuyết phục các hộ dân trong vùng dự án để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”.
HÀ DUY