Gian nan y tế vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dẫu đối mặt bao khó khăn, vất vả, thiệt thòi về cả vật chất và tinh thần nhưng những y-bác sĩ tại Trạm Y tế xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) vẫn bám dân, bám làng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Các y-bác sĩ vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Ảnh: Lê Văn Ngọc

Ia Rsai là một trong những xã xa nhất của huyện nghèo Krông Pa. Xã cách trung tâm huyện 24 km, cách quốc lộ 25 chỉ hơn 4 km tuy nhiên giao thông gặp rất nhiều trắc trở. Đường vào xã vẫn chỉ là con đường đất lẫn sỏi đá lởm chởm tiềm ẩn rất nhiều hiểm nguy. Nhưng đường từ trung tâm xã vào các làng mới thật sự là trở ngại lớn nhất, đặc biệt là với những y-bác sĩ tại Trạm Y tế xã. Vào mùa mưa, mực nước ở các sông suối lên nhanh khiến nhiều ngôi làng bị cô lập. Đã có nhiều trận lũ quét gây thiệt hại nặng nề đến tài sản cũng như đe dọa tính mạng của người dân.

Y sĩ Phạm Thị Mai đã công tác tại Trạm Y tế xã gần 14 năm vẫn còn nhớ như in kỷ niệm của những ngày mưa lũ ấy. Trong một lần vào buôn đi tiêm chủng theo kế hoạch bỗng gặp một con nước lớn nhưng chị cùng một cán bộ của trạm vẫn liều mình qua suối. Chị đâu ngờ rằng con nước ấy quá mạnh và nó đã cuốn trôi chị. Rất may người cán bộ đi cùng đã kịp thời đuổi theo với tay kéo chị lên bờ. Chị Mai tâm sự: “Sau lần ấy, mọi người bảo sao mình dại dột thế, nhưng khi đó mình chỉ nghĩ đơn giản là qua được làng để tiêm chủng cho bà con phòng tránh bệnh tật thôi nên cứ bấm bụng bước chân đi”.

Cũng theo chị Mai, các cán bộ của trạm đã rất nhiều lần vào buôn nhưng gặp nước lớn đổ về các sông suối nên đành phải ở lại trong buôn làng với bà con 2-3 ngày. Có những lần nước lên đến ngang ngực nhưng họ vẫn phải qua sông, qua suối để trở về. Năm 2014, một trận lũ quét lớn đã cuốn trôi cống tràn vào 3 buôn bên kia suối Ia Rsai. Phải đến tháng 12-2015, chiếc cầu treo H’Jú dài gần 320 mét bắc qua con suối Ia Rsai mới được khánh thành khiến việc đi lại qua 4 buôn của xã trở nên thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thiếu thốn của trạm cũng thực sự là một thách thức lớn. Ban đầu, trạm chỉ là một lán trại tạm bợ với trang-thiết bị sơ sài. Hiện nay, trạm đã có trụ sở kiên cố, được đầu tư những trang-thiết bị cơ bản nhưng vẫn còn thiếu các máy móc, giường, phòng phục vụ cho khám-chữa trị bệnh tại chỗ.

Nhưng nỗi lo lớn nhất với các y-bác sĩ lại là nhận thức về sức khỏe của chính những người dân nơi đây. Theo thống kê, xã Ia Rsai có 977 hộ với 5.277 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Nhiều người còn chưa thông thạo tiếng Kinh dẫn đến việc tuyên truyền, hướng dẫn của các y-bác sĩ gặp nhiều khó khăn, không đạt hiệu quả tối đa. Một số nơi vẫn còn tồn tại những hủ tục, khi người dân bị bệnh tật chỉ gọi… thầy cúng chứ không đưa đến trung tâm y tế. Y sĩ Phạm Thị Mai cho hay: “Các năm trước, tình trạng này khá nhiều, nhưng chúng tôi cứ làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”; vận động tuyên truyền người dân tin tưởng vào các biện pháp y tế hơn là tâm linh. Nhiều khi chúng tôi vẫn để họ cúng bái vì đó là phong tục rồi, còn mình thì vẫn cứ phải cố gắng chữa trị cho người bệnh”.

Tuy vậy, các y-bác sĩ vẫn từng ngày khắc phục khó khăn để tạo ra những chuyển biến khá tích cực cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Riêng trong năm 2015, trạm đã khám cho 2.200 lượt người, 402 lượt là trẻ em dưới 6 tuổi, 119 lượt bệnh nhân chuyển viện. Các năm trước, Ia Rsai cũng là một trong những địa phương dịch sốt rét hoành hành nhưng nhờ triển khai nhiều chương trình phòng-chống sốt rét hiệu quả, dịch sốt rét trên địa bàn cơ bản nằm trong tầm kiểm soát. Theo kế hoạch, đầu năm 2016, Trạm Y tế xã Ia Rsai sẽ được đầu tư thêm các cơ sở vật chất, nhân lực để đạt trạm chuẩn quốc gia.

 Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm