Nhà giáo đang dạy học, cử nhân sư phạm mới ra trường… hoang mang bởi dù là đối tượng nào cũng sẽ phải được xem xét để cấp giấy chứng nhận này. Theo hình dung và kinh nghiệm "đau thương" về việc từng phải trải qua những gì để có các chứng chỉ như trước đây, ai cũng nghĩ đây là một loại "giấy phép con" để "hành" là chính.
Rất nhiều câu hỏi bức xúc đã được đặt ra. Nhà giáo đang dạy học bao nhiêu năm nay, để được tuyển dụng, họ đã phải trải qua các kỳ thi tuyển gắt gao; từ đầu vào, đầu ra của các trường sư phạm, các đợt thực tập trong quá trình đào tạo… Đến khi ra trường, đi dạy học, hầu như năm nào giáo viên (GV) cũng phải tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí là nâng chuẩn trình độ đào tạo… Vậy mà khi xây dựng luật Nhà giáo, nếu chỉ cần đưa vào một câu: "Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp", cả triệu nhà giáo sẽ lao đao để có một tờ giấy chứng nhận mình được phép hành nghề.
Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) đã khẳng định trên Báo Thanh Niên: "Giấy chứng nhận này không làm phát sinh thủ tục hành chính". Đồng thời, giải thích giấy chứng nhận được cấp miễn phí, thay thế quyết định công nhận hết tập sự (hiện hành) cho người đã hoàn thành chế độ tập sự và được cơ sở giáo dục nhận xét, xác nhận đạt tiêu chuẩn từ mức đạt (mức thấp nhất) trở lên theo chuẩn nghề nghiệp nhà giáo của một cấp học hoặc trình độ đào tạo.
Tuy nhiên, giải thích trên chưa đủ thuyết phục nhà giáo và dư luận xã hội. Ngoài những phản biện của chuyên gia trong chính ngành GD-ĐT thì ý kiến bạn đọc mà Báo Thanh Niên nhận được nhiều nhất vẫn là cần nâng chất lượng đào tạo GV từ chương trình giảng dạy cũng như siết chặt khâu thực hành, thực tập để đảm bảo khi cầm tấm bằng tốt nghiệp từ các trường sư phạm thì mặc nhiên những cử nhân ấy phải đủ điều kiện để trở thành một nhà giáo cả về chuyên môn và nghiệp vụ.
Luật Giáo dục 2019 đã nâng trình độ đào tạo của GV mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng; GV tiểu học từ trung cấp lên trình độ ĐH và GV dạy THCS thay vì tốt nghiệp CĐ sư phạm thì nay phải tốt nghiệp ĐH sư phạm. Người không học chuyên ngành sư phạm thì phải tham gia một khóa đào tạo, bồi dưỡng để có chứng chỉ sư phạm mới được đi dạy, rồi phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Do vậy, việc sinh ra cái gọi là giấy chứng nhận nghề nghiệp dù giải thích thế nào cũng chưa làm nhà giáo yên tâm. Điều quan trọng bây giờ là hãy quan tâm chế độ chính sách để nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề. Đừng làm khổ GV vì những giấy tờ chỉ để "hành là chính"!