Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên là một loại hình nghệ thuật độc đáo, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên |
Tạc tượng gỗ dân gian là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nghệ thuật này đã gắn với đời sống của đồng bào nơi đây qua rất nhiều đời. Những bức tượng gỗ được tạc đẽo mộc mạc, đơn sơ, thể hiện nhiều sắc thái đời sống của con người, của thiên nhiên hoang dã, luôn mang đến cho người xem những ấn tượng khó quên về vùng đất đại ngàn.
Nói đến tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến tượng nhà mồ. Sở dĩ nói như vậy vì đồng bào ở Tây Nguyên chủ yếu tạc tượng để phục vụ trang trí xung quanh những ngôi mộ của người đã khuất. Những người già nhất ở các buôn làng cũng không ai biết tượng nhà mồ có từ bao giờ, những nhà nghiên cứu cũng chưa thể tìm ra thời điểm tượng nhà mồ xuất hiện, chỉ biết rằng, tượng nhà mồ gắn liền với lễ Pơ Thi, còn gọi là lễ bỏ mả của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Già làng Rơ Châm Đo, làng Kép Ping, xã Ia Mnông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết, theo chu trình, để tiến hành nghi lễ Pơ Thi, việc đầu tiên của người chủ hộ là phải đi tìm gỗ để tạc tượng nhà mồ. Ví dụ một ngôi nhà mồ dự định bỏ vào tháng 3 trong năm, thì từ tháng 1 năm đó người chủ hộ đã bắt đầu kiếm gỗ đẽo tượng.
"Hôm nay làng mình có lễ Pơ Thi. Pơ Thi thì phải có tượng nhà mồ, có cồng chiêng, có rượu cần, cơm lam. Tượng nhà mồ phải được làm trước rồi mới tổ chức Pơ Thi. Tượng nhà mồ có nhiều kiểu, nhiều hình dạng, ai nghĩ ra cái gì thì tạc thành tượng như thế, không cố định và không bắt buộc" - Già làng Rơ Châm Đo cho biết.
Những bức tượng nhà mồ lấy đơn vị đo là sải tay (tơ-pa) để làm ước lượng. Khi tạc xong, chiều dài bức tượng còn khoảng 1 sải rưỡi. Trong đó, 1/2 sải được chôn ở dưới đất, 1 sải còn lại vừa là phần cột chính nhô lên khỏi mặt đất, phần trên cùng là thân tượng. Trong khi đẽo tượng người có kinh nghiệm hơn truyền đạt kỹ thuật, kỹ năng và cách thức đẽo tượng cho người ít kinh nghiệm. Họ không hề giữ bí quyết nào trong cách truyền nghề tạc tượng, những bức tượng trở thành đẹp lại phụ thuộc chính vào “hoa tay" và óc thẩm mỹ của người học nghề và người tiếp thu kinh nghiệm.
Theo nghệ nhân Ksor Krôh, làng Ngó 1, xã Ia Ka, huyện chư Păh, tỉnh Gia Lai, các nghệ nhân luôn tìm cách để truyền cho con cháu mình, góp phần duy trì nghệ thuật độc đáo này.
“Tạc tượng này mình cũng được học từ ông cha thôi, khi tạc thế này, mình cũng tìm cách truyền lại cho con cháu làm sao để con cháu yêu thích và gìn giữ được văn hóa của người Jarai” - nghệ nhân Ksor Krôh bày tỏ.
Dựa trên những nguyên tắc nhất định về ý nghĩa và quy cách, người tạc tượng thỏa sức sáng tạo theo cách của mình. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước những bức tượng gỗ độc đáo bởi nó được làm ra từ bàn tay và khối óc của những người nông dân chưa từng qua trường lớp. Trước đây, công cụ của họ đơn giản chỉ có cái rìu, cái đục và dao rựa, còn hiện nay, dù có một số công cụ bổ trợ khác nhưng đục, rìu và rựa vẫn là những dụng cụ chủ đạo. Thế mà, những bước tượng nhà mồ vẫn sống động, mang theo hầu hết sắc thái của đời sống, những tình cảm của người sống hiển hiện trong đó.
Say mê với những vẻ đẹp của văn hóa Tây Nguyên, về tượng nhà mồ, Tiến sĩ Lê Quang Lâm, Nhà nghiên cứu dân tộc học chuyên đề Jarai đã dành gần như cả cuộc đời để tìm những câu trả lời cho những điều bí ẩn.
Tiến sĩ Lê Quang Lâm cho biết: "Về tạc tượng, người dân tộc Jarai học vào rừng chặt cây về. Trong làng sẽ có người tạc tượng nhưng ông ta không có ý nghĩ trước sẽ tạc tượng về vấn đề gì, nhưng khi hút thuốc, ông ta nhìn vào khúc cây, đưa rìu vào và ý tưởng sẽ đến ngay trong đầu ông ta ngay lúc đó”.
Đối với một số dân tộc, qua bàn tay của người nghệ nhân tạo thành những bức tượng linh thiêng, đặc biệt khi đặt ở vị trí trang trọng là nơi thờ cúng. Nhưng tượng nhà mồ ở Tây Nguyên thì khác biệt, chúng ra đời từ thiên nhiên, được đặt trong khung cảnh thiên nhiên, rồi hoà vào thiên nhiên, mặc cho các yếu tố của thời tiết như mưa, nắng, sương gió làm hư hỏng. Bằng thủ pháp dùng mảng khối, người tạc chỉ phác hoạ một vài chi tiết trên khúc gỗ mà làm cho bức tượng bỗng trở nên sống động như có hồn. Các nghệ nhân khi tạc tượng đều nỗ lực để bức tượng thể hiện được ý nghĩa mà mình mong muốn.
Tham gia một liên hoan tạc tượng gỗ dân gian, Nghệ nhân Rơ Châm Khir, làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết, “Tôi tham gia hội thi tạc tượng và tạc bức tượng này với ý nghĩa là mừng giải phóng đất nước. Tôi đang cố gắng để bức tượng của mình truyền tải được ý nghĩa giải phóng, hòa bình”.
Trong số những bức tượng nhà mồ, hình tượng được sử dụng chủ đạo là hình người ngồi ôm mặt trong dáng vẻ buồn bã. Đây được coi là hình tượng cổ nhất trong các loại tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên. Kế tiếp là loại tượng hình người mẹ địu con trên lưng hoặc bế con trên tay hoặc hình chim thú, thể hiện đời sống gắn với thiên nhiên của đồng bào Tây Nguyên.
Ngoài ra những bức tượng mang yếu tố phồn thực cũng thường được tạc đẽo để chôn xung quanh những ngôi mộ. Theo ông Rơ Lan Ven, Phó phòng phòng văn hóa thông tin huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, mặc dù được tạo nên một cách ngẫu nhiên, tùy theo cảm hứng của người tạc, nhưng mỗi bức tượng gỗ khi đã được tạo nên đều có ý nghĩa riêng của nó.
"Các nghệ nhân họ minh họa, khắc họa những hình tượng ví dụ như Ka Ra Kôm- chống hai tay vào cằm, nghĩa là những người đó luôn luôn mong đợi, nhớ thương những người đã chết, bỏ mình ra đi. Còn tượng như ẵm con hoặc người chồng mất đi hoặc người mẹ luôn tìm chồng, chờ chồng” - ông Rơ Lan Ven cho hay.
Ở những ngôi nhà mồ to đẹp, bề thế trước đây, cây gỗ dùng để tạc tượng thường được làm bằng loại gỗ tốt, những bức tượng gỗ này có thể tồn tại mấy chục năm dù trải qua mưa nắng. Khi những cây gỗ tốt hiếm dần, tượng nhà mồ chủ yếu được tạc bằng những cây gỗ tạp nên nhanh bị mối mục hơn. Đáng lưu ý, gần đây, khi diện tích rừng ở Tây Nguyên bị thu hẹp, tại nhiều buôn làng trong vùng, bà con khó có thể tìm ra cây gỗ để tạc tượng nhà mồ. Loại hình văn hóa này đang đứng trước nguy cơ mai một và mất đi ở nhiều buôn làng, nơi mà loại hình nghệ thuật độc đáo này được sản sinh ra.
Gần đây, trong nỗ lực bảo tồn những nét văn hóa độc đáo ở Tây Nguyên, trong đó có nghệ thuật tạc tượng, các tỉnh trong khu vực đã tích cực tổ chức các liên hoan văn hóa và các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, trong bối cảnh hiện nay, đây là dịp để nghệ nhân tạc tượng có đất trình diễn tài năng và cũng là dịp để lớp trẻ học hỏi tiếp thu những kinh nghiệm quý giá.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân: “Tổ chức những hoạt động liên hoan thế này, có lẽ những nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân gian người ta cũng chưa thật sự bằng lòng. Nhưng tôi nghĩ, cũng như trong cồng chiêng, khi môi trường văn hóa truyền thống dần mất đi, ít ra tổ chức những loại hình hoạt động như thế này chúng ta vẫn duy trì được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cư dân tại chỗ Tây Nguyên cho các thế hệ đương đại và cho các thế hệ mai sau”.
Tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên là một loại hình nghệ thuật độc đáo, nằm trong Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giá trị văn hóa đặc sắc này đã và đang được các cộng đồng cũng như chính quyền các cấp tại Tây Nguyên nỗ lực duy trì, phát huy. Đó là những tín hiệu đáng mừng để các giá trị văn hóa đặc sắc này trường tồn với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Công Bắc/VOV - Tây Nguyên