Giới thiệu những điểm du xuân thú vị mới lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Điểm đến mới lạ, hoặc địa danh cũ nhưng có thêm những điều mới lạ đang được nhiều người săn tìm để du xuân. Tuổi Trẻ giới thiệu một số điểm đến.
Đường hoa Xẻo Nhum - Ảnh: LAN NGỌC
Đường hoa Xẻo Nhum - Ảnh: LAN NGỌC
Sa Mù - mảnh trời ôn đới giữa xứ gió Lào
Chỉ mới được biết đến gần đây nhưng Sa Mù ngày càng hút khách. Nếu Quảng Trị được nhắc đến như một miền đất khô khát của gió Lào cát trắng thì cách thành phố Đông Hà chừng 90km theo đường bộ, có một "vườn địa đàng" nằm trên đỉnh đèo Sa Mù (xã Hướng Phùng, Hướng Việt thuộc huyện Hướng Hóa) với khí hậu như Đà Lạt hay Sa Pa. Khác chăng giờ Đà Lạt đang kêu trời vì vấn nạn ô nhiễm, Sa Pa bị than bởi bêtông hóa thì Sa Mù vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ với bốn bề núi phủ mây phong.
Bạn sẽ sửng sốt khi đến trạm ứng dụng khoa học công nghệ của Sở Khoa học - công nghệ Quảng Trị đặt tại đây. Trong những khu vườn giữa mảnh trời "ôn đới đi lạc", bạn có thể selfie với vườn lan đại hồ điệp đang trổ hoa đón tết, những luống dâu chín mọng lấy giống từ Hàn Quốc và New Zealand, những vườn lyly đủ sắc màu, những luống cà chua màu sôcôla lấy giống từ Nhật, và có một sự thật "không thể tin được" là hoa tulip được trồng ở đây nở đẹp không thua gì được trồng ở Hà Lan.
Trên đường đến Sa Mù, bạn có thể ghé qua sân bay Tà Cơn (Khe Sanh) với Nhà trưng bày Chiến thắng đường 9 đầy dấu ấn lịch sử. Đi qua cung đường Hồ Chí Minh nhánh tây này, bạn còn gặp được những di tích bi hùng của cuộc kháng chiến năm xưa...
Huyền hoặc Pả Vi Hạ
Mấy tháng trước, khi truyền thông cả nước xôn xao vụ Mã Pì Lèng Panorama trên con đèo trứ danh qua quốc lộ 4C thì ít ai biết cách vị trí quán cà phê nói trên chỉ vài cây số về phía Mèo Vạc có một ngôi làng Mông đẹp như cổ tích vừa đi vào hoạt động, đạt đến độ điển hình về kiến trúc, không gian và mối giao hòa cộng cảm cùng thiên nhiên.
Cũng kiến trúc Mông, nhưng những ngôi nhà trong làng đã thoát ra khỏi vẻ u uẩn cô tịch cố hữu của những nếp nhà trên rừng đá. Với 20 ngôi nhà, các chủ nhân để được trở thành thành viên của làng du lịch văn hóa cộng đồng này phải chấp nhận một số điều khoản nhất định, trong đó có tuân thủ việc xây dựng đúng theo kiến trúc truyền thống, tuy nhiên trong nhà lại đáp ứng nhu cầu của một homestay hiện đại, có bếp, toilet sạch sẽ, phòng ngủ đạt tiêu chuẩn và nhất là không gian của ngôi làng thực sự thân thiện với thiên nhiên chung quanh.
Hồng Mí Sinh, chủ nhân khu homestay đầu tiên của làng, cho hay chỉ sau mấy tháng đưa vào hoạt động, khu homestay của anh luôn được khách đặt phòng từ rất sớm. Ở Pả Vi Hạ, du khách sau khi đi qua những cung đường hiểm trở, giữa bốn bề núi đá, sẽ được nghe điệu khèn Mông trong sương núi, nhấp ngụm rượu ngô thơm nồng trên môi để cảm thấy như đang được sống giữa khung trời Mông, của một thiên đường ngàn xưa tưởng như đã mất...
Làng Pả Vi Hạ nhìn từ flycam - Ảnh: Ngọc Quang
Làng Pả Vi Hạ nhìn từ flycam - Ảnh: Ngọc Quang
Trải nghiệm văn hóa Chăm ở làng nghề Cham Oasis
Nằm trên ốc đảo xanh mướt giữa dòng sông Cái hiền hòa, làng nghề truyền thống Cham Oasis thuộc khu du lịch Champa Island ở số 304 đường 2/4, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh những lu nước, bức phù điêu bằng gốm được bày trên thảm cỏ, tại đây du khách có thể xem và trực tiếp tham gia những nghề thủ công truyền thống, đặc trưng của người Chăm như làm gốm, dệt thổ cẩm, thêu tranh...
Tại khu vực làm gốm Bàu Trúc, khách du lịch sẽ được tham gia cách làm gốm hoàn toàn bằng tay, không cần bàn xoay như những làng gốm khác.
Chỉ với 50.000 đồng/lượt, du khách sẽ được nghệ nhân Chăm tận tình hướng dẫn nhào nặn, sau đó sản phẩm sẽ được đem đi nung và trao tận tay khách để làm kỷ niệm. Đó có thể là lu đất, tượng vũ nữ Apsara hoặc sản phẩm mang "thương hiệu" bản thân. Du khách cũng có thể dệt thử một tấm vải thổ cẩm Chăm tại khu vực làng dệt Mỹ Nghiệp.
Những món ăn, đồ uống đậm nét Chăm, chơi các trò chơi dân gian, múa Chăm... cũng được tổ chức vào dịp tết.

Máy bay C-130 ở khu di tích Tà Cơn trên đường vào Sa Mù - Ảnh: L.Đ.Dục
Máy bay C-130 ở khu di tích Tà Cơn trên đường vào Sa Mù - Ảnh: L.Đ.Dục
Cần Thơ: "sống ảo" ở Đường hoa Xẻo Nhum
Vừa đi du lịch sinh thái vừa trải nghiệm tết quê Nam Bộ xưa là sản phẩm du lịch với ý tưởng độc đáo và mới lạ của anh Nguyễn Thanh Vũ - chủ vườn sinh thái Xẻo Nhum (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) phục vụ du khách du xuân Canh Tý 2020 khi đến miền Tây sông nước.
Không gian của Đường hoa Xẻo Nhum chủ đề "Tết sum vầy" là nơi tái hiện tết quê Nam Bộ xưa với những phân khúc tiểu cảnh: gói và nấu bánh tét, mái nhà lá trước hiên nhà trồng hoa vạn thọ, cạnh bên là những luống cải bắp xanh mướt, không gian của ông đồ xưa viết thư pháp trong ngày tết hay không gian tiệm vải áo dài cô Ba một thời... Tất cả tạo nên một bức tranh tết quê đầy màu sắc tươi sáng, rất thích hợp để tham quan, trải nghiệm, du khách và những bạn trẻ có thể check-in "sống ảo" với những bức ảnh tuyệt đẹp.
Xẻo Nhum mở cửa phục vụ từ nay đến hết mùng 10 tháng giêng. Riêng thư pháp (phục vụ thứ bảy và chủ nhật hằng tuần), du khách được cho chữ thư pháp miễn phí. Ngoài ra, bánh tét cũng được gói thường xuyên, du khách được ăn bánh tét và uống trà không tính thêm phí khi đến đây. Giá vé vào cổng là 100.000 đồng/người.

Rừng tràm Trà Sư có thêm "cầu tre vạn bước"
Ngày 28-12, ông Lê Văn Khanh - chủ tịch Hội đồng phát triển du lịch của Tập đoàn Sao Mai - cho biết khu du lịch thưởng ngoạn rừng tràm Trà Sư (An Giang) đang làm cầu tre xuyên rừng tràm - được xem là cầu tre có chiều dài "khủng" nhất Việt Nam.
 “Cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư - Ảnh: B.Đ.
“Cầu tre vạn bước” xuyên rừng tràm Trà Sư - Ảnh: B.Đ.
Cầu tre được mệnh danh là "cầu vạn bước" sẽ đưa du khách đến thật gần để "chạm tay" vào không gian thoáng mát của rừng tràm. Cầu có tổng chiều dài khoảng 10km, bao gồm cả trục đường chính và đường nhánh, do đội ngũ nghệ nhân lành nghề thực hiện hoàn toàn thủ công. Tổng kinh phí thực hiện lên tới trên 10 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dài gần 4km, kinh phí hơn 5 tỉ đồng, đang bước vào "hậu kỳ" sẽ được khánh thành trước Tết dương lịch 2020. Phần còn lại có chiều dài hơn 5km, kinh phí hơn 6 tỉ đồng sẽ được "hợp long" trước ngày 30-4-2020.
Cầu tre này sẽ là điểm nhấn phục vụ khách du lịch dịp Tết Canh Tý 2020. Rừng tràm Trà Sư được ví như lá phổi xanh của vùng Bảy Núi khi bốn mùa khoe sắc rực rỡ của muôn loài, động thực vật sinh sôi nảy nở, là điểm đến hấp dẫn của du khách.
BỬU ĐẤU
Theo LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH - LAN NGỌC - MINH CHIẾN (TTO)

Có thể bạn quan tâm