Hơi thở Gen Z

Hành trang

Giới trẻ ứng phó với làn sóng sa thải nhân sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Làn sóng sa thải nhân sự đang diễn ra khốc liệt trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Đây là mối lo ngại của không ít sinh viên mới ra trường, thậm chí là lao động trẻ có kinh nghiệm. Để trụ vững, nhiều bạn đã chọn cách trau dồi kỹ năng, thử sức với các lĩnh vực khác.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng thế hệ gen Z (những người sinh ra từ năm 1997-2012) trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, dự kiến gen Z sẽ đóng góp vào 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Đồng thời, thế hệ này cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước.

Thế hệ gen Z đang phải đối mặt với tình trạng đào thải đang diễn ra khá khốc liệt trên thị trường lao động. Có không ít doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự với quy mô lớn, nhỏ nhằm giảm bớt chi phí trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay. Trong đó, lực lượng lao động trẻ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của những “cơn sóng” sa thải.

Để “sống sót” qua các cơn bão sa thải nhân sự, nhiều bạn trẻ hướng tới mục tiêu trở thành người làm việc “đa-zi-năng” để trụ vững tại các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời, các bạn trẻ cũng không quên trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để thích ứng cũng như có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Nhiều bạn trẻ tại tỉnh Gia Lai tích cực trau dồi những kỹ năng mới để ứng phó trước làn sóng sa thải nhân sự. Ảnh: Lạc Hà

Nhiều bạn trẻ tại tỉnh Gia Lai tích cực trau dồi những kỹ năng mới để ứng phó trước làn sóng sa thải nhân sự. Ảnh: Lạc Hà

Tốt nghiệp đại học ngành Báo chí vào năm 2022, Nay Phiên (buôn Ia Sóa, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) trở về địa phương để tìm một công việc đúng chuyên ngành. Sau nửa năm tham gia vào thị trường lao động, Phiên nhận thấy mức độ cạnh tranh giữa các nhân sự là rất lớn. Do đó, Phiên không ngừng trau dồi nhiều kỹ năng để trở thành người “gì cũng làm được” và để tăng cơ hội ở lại làm việc tại cơ quan.

Chia sẻ về vấn đề người trẻ và làn sóng sa thải nhân lực, Phiên cho hay: “Theo cá nhân tôi, trước hết người trẻ cần rèn luyện, trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu của công việc, nhiệm vụ được giao. Các bạn có thể không làm giỏi nhất nhưng phải làm tốt nhất trong khả năng của bản thân để doanh nghiệp, cơ quan nhìn thấy được năng lực cũng như tiềm năng phát triển của các bạn”. Bên cạnh đó, Phiên cũng cho rằng giới trẻ cần trau dồi các kỹ năng mềm, kỹ năng sống, giao tiếp và luôn có ý chí cầu tiến trong công việc.

Rô H'Huyên làm thêm công việc sáng tạo nội dung để kiếm thêm thu nhập. Clip: Lạc Hà

Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Dược, Rô H’Huyên (buôn H’Muk, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) đã làm việc tại một hiệu thuốc được hơn một năm. Để kiếm thêm thu nhập và thử thách bản thân, ngoài giờ làm việc hành chính, H’Huyên còn nhận thêm công việc sáng tạo nội dung cho một quán cà phê ở tận Thủ đô Hà Nội. Do đó, H’Huyên tranh thủ thời gian sau giờ làm để học thêm các kỹ năng như lên ý tưởng, viết và biên tập nội dung, phân tích thương hiệu…

“Bên cạnh công việc chính là dược sĩ, mình cũng muốn thử sức với những công việc liên quan đến lĩnh vực truyền thông. Việc này vừa giúp mình thỏa đam mê, vừa học hỏi, trau dồi thêm các kỹ năng mới. Đồng thời, mình có thể chủ động tìm kiếm việc làm khác nếu bị sa thải”-H’Huyên tâm sự.

Sau giờ làm, Rô H’Huyên nhanh chóng bắt tay vào viết nội dung cho công việc bán thời gian. Ảnh: Lạc Hà

Sau giờ làm, Rô H’Huyên nhanh chóng bắt tay vào viết nội dung cho công việc bán thời gian.

Ảnh: Lạc Hà

Là chủ của một tiệm trang sức tại TP. Pleiku và từng làm việc với nhiều bạn trẻ, chị Nguyễn Thái My (tổ 1, phường Hội Phú, TP. Pleiku) cho biết: Hiện nay, nhiều người trẻ đang chật vật tìm kiếm việc làm hoặc đứng trước nguy cơ bị đuổi việc. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế đang có nhiều biến động tiêu cực đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Do vậy, đa số doanh nghiệp chủ trương tuyển chọn những lao động có thể làm được nhiều đầu việc.

Chị My cũng nhắn nhủ đến lao động thế hệ gen Z cần trau dồi thêm kỹ năng mềm, luôn luôn học hỏi những kiến thức mới. Đồng thời, các bạn cần học thêm 1 hoặc 2 ngoại ngữ để có nhiều cơ hội phát triển trong công việc.

Có thể bạn quan tâm