Phóng sự - Ký sự

Gỡ khó cho y tế vùng Tây Nguyên -Bài 1: Yếu và thiếu… đủ thứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
LTS: Qua ghi nhận của nhóm phóng viên Báo SGGP, hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh ở các xã, huyện vùng cao của các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều đang trong tình trạng xuống cấp, trang thiết bị, thuốc men, nhân viên y tế thiếu trước hụt sau. Vì vậy, chưa đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân địa phương.

Thực tế ghi nhận, dọc các tỉnh vùng Tây Nguyên, nhiều trạm y tế xã gần như không phát huy hết chức năng. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh vừa yếu vừa thiếu.

Trạm y tế “rệu rạo”

Nằm cách trung tâm huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai khá xa nên Trạm y tế xã Ia Phí vẫn là nơi người dân thường lui tới để thăm khám sức khỏe dù cơ sở hạ tầng đã “rệu rạo” sau hơn 17 năm đưa vào sử dụng. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị tu sửa, nâng cấp để có nơi cho bà con khám chữa bệnh đàng hoàng nhưng chưa thành hiện thực. Trong khi đó, tại huyện Chư Prông, các Trạm y tế xã Bình Giáo, Trạm y tế xã Ia Vê cũng trong tình cảnh tương tự khi đã được xây dựng cách nay hơn 20 năm. Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, bộc bạch: “Tình trạng máy móc, trang thiết bị lạc hậu, y bác sĩ thiếu hụt nên khó đáp ứng trọn vẹn nhu cầu điều trị bệnh cho nhân dân. Dần dần, người dân khi bị bệnh nhẹ, dù cơ sở y tế cấp xã, huyện có thể chữa trị nhưng vẫn vượt đường xa lên bệnh viện tuyến trên, vừa gây quá tải cho tuyến trên vừa tốn kém thời gian và chi phí đi lại”.

Bác sĩ CKI Ka Phương Thảo thăm khám cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng

Tương tự, Trạm y tế xã Hòa Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), mỗi ngày chỉ lác đác vài người đến khám bệnh, nhận thuốc. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, quyền Trạm trưởng Trạm y tế xã Hòa Nam, tâm tư, trạm cũng được bố trí máy móc, thiết bị, chỉ định cận lâm sàng nhưng chỉ có bác sĩ mới vận hành được. Trạm chỉ có một bác sĩ nên khi bác sĩ này đi vắng, các thiết bị không thể vận hành được.

Bệnh viện tỉnh “đói” vật tư

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, chúng tôi ghi nhận nhiều bệnh nhân than phiền vì bệnh viện không đủ trang thiết bị y tế như găng tay, ống vô trùng, dao mổ... Bác sĩ yêu cầu người nhà bệnh nhân phải mua các thiết bị này từ bên ngoài đưa vào phục vụ điều trị. Bác sĩ Trần Duy Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, thừa nhận, bệnh viện đang trong tình trạng thiếu cục bộ vật tư, hóa chất, thiết bị y tế và một số loại thuốc nên ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Bác sĩ Trần Duy Dũng cho biết, năm 2022, bệnh viện có 15 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế trị giá 38 tỷ đồng, tuy nhiên thực tế chỉ có 5 gói thầu trị giá khoảng 10 tỷ đồng được thực hiện. Trong khi đó, tại Đắk Lắk, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng trong tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, khiến công tác khám chữa bệnh của đơn vị bị đình trệ. Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên nên bị thiếu hụt một số loại thuốc. Ở một số bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tình trạng thiếu dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, catheter thận nhân tạo, hóa chất sinh hóa, hóa chất huyết học, hóa chất sàng lọc máu… cũng khá phổ biến.

Người dân chỉ khám những triệu chứng thông thường tại Trạm y tế xã Hòa Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng), còn lại phần lớn lên tuyến trên. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Thiếu nhân lực

Thực tế, tình trạng thiếu nhân lực, “chảy máu chất xám” đang xảy ra ở nhiều cơ sở y tế vùng Tây Nguyên. Huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) có 8 xã nhưng mới chỉ 4 trạm y tế xã có bác sĩ, 4 trạm y tế còn lại tổ chức luân phiên bác sĩ khám bệnh. Ông Trần Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Đạ Long, cho biết, trạm y tế của xã hiện chưa có bác sĩ cố định, các bác sĩ ở tuyến trên sẽ tổ chức về thăm khám xoay vòng. Thông thường, trạm y tế chỉ thăm khám cơ bản, còn lại bà con có nhu cầu khám chữa bệnh thường phải ra trung tâm y tế huyện, lên tuyến tỉnh hoặc sang các bệnh viện ở tỉnh khác.

Theo lãnh đạo một số đơn vị y tế vùng Tây Nguyên, vấn đề phải nhìn nhận là chế độ đãi ngộ với lực lượng y tế tại cơ sở vẫn chưa thực sự khiến mọi người an tâm công tác. Quyền Trạm trưởng Trạm y tế xã Hòa Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) Nguyễn Thị Thu Trang công tác trong ngành y tế đã 17 năm nhưng mức lương hiện chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng. Còn dược sĩ ở trạm được tuyển dụng từ năm 2016, hiện chỉ có thu nhập khoảng 4,7 triệu đồng/tháng. Chế độ đãi ngộ thấp, áp lực công việc cao nên thời gian qua tình trạng bỏ việc của lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế ở các tỉnh vùng Tây Nguyên khá phổ biến. Bác sĩ CKII Trịnh Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, ngành y tế Lâm Đồng có 205 viên chức và 64 nhân viên hợp đồng lao động nghỉ việc.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2021 đến nay, hơn 100 bác sĩ, nhân viên phục vụ trong ngành y tế xin thôi việc. Trong đó, có cả lãnh đạo của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Còn ở tỉnh Đắk Nông, từ năm 2018 đến nay, cũng có 211 nhân viên làm việc trong ngành y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác. Tại tỉnh Gia Lai, từ năm 2022 đến nay, có 59 viên chức ngành y tế thôi việc, trong đó một số nhân lực có trình độ cao xin chuyển công tác đã gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn của ngành y tế công.

Có thể bạn quan tâm