(GLO)- Sáng 28-8, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý kiến về dự thảo nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND cấp tỉnh. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có ông Đinh Duy Vượt-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Trần Dung |
Tại hội nghị, Ban soạn thảo đã trình bày dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Dự thảo Nghị quyết gồm 9 điều, quy định những nội dung cơ bản về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của văn phòng và kinh phí hoạt động.
Dự thảo Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, cùng thời điểm hiệu lực của Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để thuận tiện và kịp thời trong việc triển khai, tổ chức thực hiện.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đều đồng tình cao với nội dung dự thảo Nghị quyết và mong muốn sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Cùng với đó, các đại biểu đề xuất với Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ cụ thể của từng lãnh đạo văn phòng do văn phòng của các địa phương quyết định đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương đó; quy định số lượng phòng, tên gọi cụ thể, biên chế của từng phòng, số lượng phó trưởng phòng và việc sử dụng, quản lý kinh phí hoạt động của văn phòng...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao Ban soạn thảo đã khẩn trương, tích cực chuẩn bị dự thảo Nghị quyết; đồng thời, ghi nhận các ý kiến đóng góp cụ thể, xác đáng vào dự thảo của các địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để sớm báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
TRẦN DUNG