Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gương mặt thơ: Phạm Đương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phạm Đương là một giọng thơ “cá biệt” trong làng thơ Việt hiện nay. Thơ anh nhiều chất suy nghĩ, lạnh và nhọn như những mũi khoan vào lòng người đọc.

Anh tham gia nghĩa vụ quân sự ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Huế, từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia và đóng quân tại Đức Cơ. Ra quân, anh làm báo, là một “cây phóng sự” có hạng của Báo Lao Động và Báo Thanh Niên.

Thơ anh cũng có nhiều câu hỏi như báo, nó khiến ta vượt qua cảm xúc thông thường, khiến ta không yên ổn, khiến ta phải đối diện với những câu hỏi, nhiều khi không dễ dàng trả lời. Và vì thế mà nó đọng, nó xoáy, nó khiến ta không thể thờ ơ: “Những cô gái Trường Sơn ngày ấy/chưa từng làm mẹ/ mãi mãi không bao giờ được làm mẹ/chim vịt rừng già nghe thao thiết quá/chín chiều đau ruột mẹ ơi!”. Tập thơ “Giờ thứ 25” của anh từng được giải thưởng thường niên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh hiện là Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.


NGHỀ



Bảnh mắt ra là tin với bài

mỗi tháng phải cày bừa toát mồ hôi

mới mong tạm đủ.

Minh họa: H.T

Minh họa: H.T

Tôi vẫn thường rao giảng

về cái nghề kiếm tiền bằng bán chữ

rằng đó là những đồng tiền sạch.



Một hôm tôi nhận được những câu hỏi:

chuyện không viết có

chữ ấy có sạch không?

chuyện có viết không

tiền ấy có sạch không?



Chợt thấy mặt mình

như chiếc bong bóng hết hơi.




NIỀM TIN

Minh họa: THỦY NGỌC

Minh họa: THỦY NGỌC

Bão cấp mười hai

những người già dùng đũa bếp để đỡ nhà

với niềm tin nhà mình sẽ không bị đổ.



Anh tin em

như người già chống bão!




KÝ ỨC



Ủ như ủ men rượu

ba mươi năm mới chưng cất

trong veo từng giọt

được và mất.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Rừng săng lẻ năm ta hai lăm tuổi

lá xanh hoa tím

giờ tuổi năm tư

hoa tím ngày xưa vẫn tím

tóc ta nay đã sương mù.



Những cô gái Trường Sơn ngày ấy

chưa từng làm mẹ

mãi mãi không bao giờ được làm mẹ

chim vịt rừng già nghe thao thiết quá

chín chiều đau ruột mẹ ơi!



Những nấm-mộ-cột-mốc ven đường

giờ không thấy nữa

những cơn sốt nghiêng rừng

mấy ai còn nhớ.



Sau cơn mưa chiều

trời cao xanh thế

dẫu biết mưa nguồn chớp bể

sao Trường Sơn vẫn trĩu nặng trong ta?

Có thể bạn quan tâm