Phóng sự - Ký sự

Hàng rong bủa vây cổng trường- Kỳ cuối: Để trường học vắng bóng hàng rong

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cổng trường vắng bóng hàng rong trở nên quen thuộc với học sinh của nhiều trường học ở TP HCM nhờ sự phối hợp, quản lý chặt giữa nhà trường, địa phương cùng sự nhắc nhở, hướng dẫn con từ phụ huynh.

Học sinh lơ quà vặt

Hơn 16 giờ ngày 10/5, chúng tôi có mặt tại cổng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Ngay giờ tan tầm nên hàng chục phụ huynh đậu xe kín cổng trường để chờ đón con. Tiếng trống tan trường vang lên, từng tốp học sinh ùa ra cổng. Lúc này, hai xe hàng rong bán bánh đồng xu và bắp tiến lại gần với mùi thơm hấp dẫn bốc lên. Trái ngược với cảnh học sinh vây quanh xe hàng như những nơi khác, cho đến khi các em rời cổng trường gần hết, hai xe hàng rong vẫn ế khách.

Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) vắng bóng hàng rong. Ảnh: Ngô Tùng

Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) vắng bóng hàng rong. Ảnh: Ngô Tùng

“Gần đây giáo viên cảnh báo đến phụ huynh rất nhiều thông tin về an toàn thực phẩm nên tôi nhắc nhở con không mua đồ bậy bạ. Ngay trước cổng, nơi phụ huynh dừng đỗ khi đón con cũng có biển nhắc nhở. Trường cho phép phụ huynh chạy xe vào trong sân đón con nên các cháu không có cơ hội tiếp xúc với hàng rong. Hiểu đơn giản hàng rong còn bán vì còn người mua, nếu bán ế thì vài hôm người ta sẽ không đến trường bán nữa” - chị Thư, phụ huynh học sinh lớp 4, nói.

Tại Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn (đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, tuyến đường khu trung tâm thành phố với hàng loạt trường học, hàng chục nghìn học sinh) nhưng trước cổng trường không có bóng dáng hàng rong. “Đồ ăn ở trường ngon nên con ăn được nhiều, không bị đói giữa giờ. Hơn nữa, muốn ăn quà vặt thì phải sang đường và đi một đoạn xa nên con tôi cũng không còn hứng thú tìm mua. Tôi cũng kiên quyết không cho tiền tiêu vặt và thường xuyên nói với con về tác hại của hàng rong nên cháu cũng hiểu và không đòi mua những món ăn bậy bạ” - anh Sang, phụ huynh có con học lớp 4 nói.

Tại nhiều trường ở nơi có mật độ giao thông cao, đông khu công nghiệp và không nằm ở khu trung tâm TPHCM cũng vắng hàng rong, như Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (quận 7)... Các trường tư thục, quốc tế tại TPHCM hầu hết đều vắng bóng hàng rong, như Trường Quốc tế Việt Úc, Trường Quốc tế Canada, Trường Quốc tế TPHCM, Trường Quốc tế Saigon Pearl…

Quyết đẩy lùi hàng rong

Nhiều tháng trở lại đây, một nhóm trao đổi thông tin về quản lý hàng rong giữa lãnh đạo Trường THCS Huỳnh Tấn Phát với chính quyền địa phương liên tục hoạt động. Cứ hai buổi sáng và chiều mỗi ngày, lực lượng chức năng phường Bình Thuận có mặt trước cổng trường để kết hợp điều phối giao thông và quản lý hàng rong, bởi trường này nằm ngay ngã tư đường, giao thông rất phức tạp.

Bà Nguyễn Thị Hoài Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, cho hay, nhà trường mở 2 cổng và điều phối cho phụ huynh đón con ngay trong sân trường để học sinh không có cơ hội tiếp xúc hàng rong mỗi lúc chờ cha mẹ đến đón. Cạnh đó, lực lượng trật tự đô thị của phường cũng phối hợp nhà trường hỗ trợ dẹp các đối tượng buôn bán hàng rong chào mời, chèo kéo học sinh và đều có báo cáo hằng ngày để hai bên có sự phối hợp tốt nhất.

“Ngoài ra, việc tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh cũng được thực hiện quyết liệt. Nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế và Bệnh viện Quận 7 tổ chức các buổi truyền thông về an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, dán băng-rôn tuyên truyền trên bảng tin của trường, trên các lớp, tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh nhắc nhở con nói không với hàng rong” - bà Bắc thông tin.

Về bí quyết tránh được hàng rong của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng nhà trường, nhìn nhận, sự đồng hành của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Đi cùng đó là ý thức của phụ huynh, học sinh. “Giáo viên thường xuyên chia sẻ cho học sinh thấy được những cái không có lợi của việc sử dụng hàng rong. Mới đây, sự việc dùng cơm cuộn gây ngộ độc cũng được trường gửi đến tất cả ban đại diện các lớp, tuyên truyền đến tất cả phụ huynh để thay đổi ý thức của học sinh. Khi nhu cầu không có thì sẽ không có nguồn cung nào muốn đến” - bà Chi nói.

Nhiều vụ ngộ độc xảy ra nhưng chưa phát hiện

Nhiều vụ ngộ độc, rối loạn tiêu hóa xảy ra nhưng phụ huynh chưa phát hiện, hoặc tự xử lý tại nhà. Đó là khẳng định của bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, khi trả lời phóng viên Tiền Phong về vấn đề an toàn thực phẩm học đường.

Vị đứng đầu ngành ATTP của TPHCM nhìn nhận, hàng rong đa phần đều buôn bán nhỏ lẻ nên không có giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP. Toàn thành phố có 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, trong đó có nhiều gánh hàng rong xung quanh trường học, thu hút học sinh, nhất là bậc tiểu học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Bà Lan thừa nhận, Sở kiểm soát chặt các bếp ăn tập thể, căng - tin trong trường nhưng những món hàng rong bên ngoài, nhà trường vẫn khó kiểm soát do người bán kinh doanh di động. “Quan điểm của chúng tôi là không chống thức ăn đường phố, nhưng chúng tôi vận động, khuyến khích, yêu cầu người bán hàng phải làm sản phẩm đảm bảo sạch sẽ, an toàn”.

Có thể bạn quan tâm