Thời gian qua, người dân H.Gio Linh phát hiện nhiều xác lợn bệnh bị vứt ở sông, kênh, mương, khu rừng và bên vệ đường ở các xã Hải Thái, Trung Sơn, Gio An, Linh Trường...
Trong khoảng gần 1 tháng trở lại đây, dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 12 xã, thị trấn thuộc nhiều địa phương ở Quảng Trị. Đã có 336 con lợn bị bệnh, chết buộc phải chôn hủy với trọng lượng tiêu hủy trên 15,6 tấn. Lúc này, chính quyền, ngành chức năng và người chăn nuôi đang khẩn trương dập dịch... Cũng chính vì bối cảnh này mà người chăn nuôi đang bị thương lái "ép" giá.
Trong khi đó, ở Quảng Bình, hôm 13.11, Phòng Y tế H.Bố Trạch vừa có đợt kiểm tra định kỳ đối với các sản phẩm bày bán tại chợ, phát hiện có chất cấm trong cá khoai tại 4 địa phương. Cụ thể, lực lượng chức năng đã phát hiện formaldehyde hay formol, formalin - một chất cấm, có trong các mẫu cá khoai bán tại một số chợ ở TT.Hoàn Lão, TT.Phong Nha, xã Hải Phú, xã Phúc Trạch (H.Bố Trạch). Formaldehyde là chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Chất này khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây từ khó tiêu hóa đến viêm loét thực quản, dạ dày, ruột… Nếu nhiễm formaldehyde với một lượng cao, có thể gây tử vong.
Cá khoai, một loại cá trước đây ít có giá trị nhưng ngày càng được nhiều người yêu chuộng, thậm chí ngày nay được ví là "đặc sản", riêng có ở Quảng Bình. Việc này, khiến ý tưởng ăn cá khoai của người dân cũng như du khách khi đến với địa phương này ít nhiều lưỡng lự.
Không dừng lại ở chuyện con cá khoai, hay chuyện người chăn nuôi vứt xác lợn chết nhiễm bệnh ra sông... mà hai câu chuyện, xảy ra ở 2 địa phương Quảng Bình và Quảng Trị, dù khác nhau về các tình tiết liên quan, nhưng cùng khởi nguồn bởi sự vô ý thức của một vài cá nhân mà có khả năng ảnh hưởng đến cái chung. Muốn kinh doanh bền vững, lâu dài, hãy bắt đầu từ sự trung thực.