Đêm không ngủ, không biết là mừng, hay lo. Tối qua, thằng Sính đã bỏ bàn chải đánh răng, bàn chải giặt, túi xà bông, hộp dầu gội vào túi. Anh vẫn mở ra để kiểm lại một lần nữa.
Gà gáy sáng. Mở cửa, hơi lạnh phả vào phòng. Bên ngoài, mây phủ một màu trắng đục, ôm chặt mặt đất như không muốn rời. Lát nữa, dù bịn rịn, lưu luyến, mây và đất cũng phải xa nhau. Nắng lên, xung quanh những vườn cà phê, cao su bát ngát. Cách mấy quả đồi, lá cờ đỏ sao vàng nơi đồn biên phòng bay cao. Con đường tuần tra biên giới như dải lụa uốn theo triền dốc.
Hôm nay anh xin nghỉ một ngày để đưa con nhập ngũ, công việc bàn giao cho đội phó. Việc nhà lát nữa con Súa đi cạo mủ cao su về đảm nhiệm. Con Súa giờ là công nhân quốc phòng đơn vị anh.
Đường lên trung tâm huyện khá xa. Cùng mấy gia đình khác, anh chở thằng Sính bằng chiếc xe máy đã gắn bó với gia đình nhiều năm. Vừa đi anh vừa động viên thằng Sính phải cố gắng rèn luyện, xác định tốt nhiệm vụ, là người lính có bản lĩnh vững vàng, phấn đấu công tác lâu dài trong quân đội. Ở nhà yên tâm vì vài năm nữa anh sẽ nghỉ hưu, có thời gian chăm con Hậu.
Qua mấy con dốc, càng gần trung tâm huyện, người và xe mỗi lúc một đông. Những thanh niên đủ màu quân phục: hải quân, bộ binh, phòng không không quân… được gia đình và người thân tiễn chân, chuyện trò râm ran suốt quãng đường. Thằng Sính hãnh diện ngồi sau xe bố. Hãnh diện lắm vì giờ nó là bộ đội, bố là sĩ quan quân đội đi tiễn chân. Bố nói hai bố con giờ thành đồng chí, đồng đội.
Vào sân vận động trung tâm huyện, thằng Sính chào bố rồi hòa vào hàng quân đội mũ kê pi màu xanh.
Chào anh Khải, anh đưa cháu nhập ngũ ạ - Anh Tấn vỗ nhẹ vai anh từ phía sau.
-Vâng, chào anh, anh tiễn chân ai vậy? Anh quay lại mỉm cười khi gặp người quen.
- Tôi tiễn cậu học trò, cậu ấy nhập ngũ vào hải quân. Cháu nhà anh về đơn vị nào?
- Cháu đi biên phòng anh ạ! Các anh cấp trên đã xét hoàn cảnh của cháu. Chắc mai mốt huấn luyện xong, cho cháu được về đồn gần nhà để có dịp nghỉ phép thì cũng gần anh ạ.
- Nhanh thật anh nhỉ. Mới ngày nào. Mà cháu lên đường, anh cũng phải lấy vợ thôi, để có bầu bạn, cho anh em chúng tôi còn chúc phúc.
- Vâng! Anh Khải đỏ mặt.
Sau lời hứa hẹn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một tân binh trước lãnh đạo và Nhân dân địa phương, từng đoàn quân xếp hàng lên xe. Những cái bắt tay, những câu nói “cố gắng nhé”, “em chờ anh”, “ráng nha”… Anh nắm chặt tay Sính: Phải chân cứng đá mềm con nhé, bố hy vọng nhiều ở con. Thằng Sính giữ chặt tay anh: Bố yên tâm, con sẽ không để bố buồn.
Minh họa: Ngọc Tâm |
Đoàn xe lăn bánh, sân vận động thưa dần. Nhìn đoàn xe đã khuất sau khúc cua đồi đá. Anh nổ máy, rời sân. Đường về vắng người, cảm giác nhớ con ùa về. Dừng lại quán hàng dưới chân dốc, anh mua gói bánh về cho con bé Hậu.
Nhớ ngày ấy, đang cùng những người lao động trong đơn vị thu hoạch cà phê, anh được cấp trên gọi về sở chỉ huy nhận nhiệm vụ. Nhận nhiệm vụ xong, anh không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Như hiểu tâm lý, người chỉ huy đã vỗ về: Đồng chí yên tâm, khó khăn chúng ta khắc phục. Đơn vị tin tưởng đồng chí.
Sớm hôm sau, anh cùng xe của đơn vị lội suối, trèo đèo. Gần một ngày đường mới đến được trung tâm xã. Nơi anh đến là một miền quê xa tít, đường sá đi lại rất khó khăn. Ủy ban nhân dân xã là nhà cấp 4 đã cũ. Sau một hồi làm việc, ký kết nhận nuôi dưỡng, xe hành quân về đơn vị.
Về nơi ở mới, con Súa và thằng Sính lạ lẫm, e dè không giao tiếp với ai. Anh động viên để các con quen dần. Ở đây, địa bàn đơn vị anh đóng quân là dự án kinh tế quốc phòng. Nhiều năm trước, số đồng bào Mông di cư ở các tỉnh phía Bắc được đưa về tái định cư, lập thành làng bản. Ngôi nhà “tình thương” được đơn vị xây tặng các con lợp mái tôn đỏ, bên con đường đất bazan nhìn về dòng suối cuối bản. Việc đầu tiên, anh liên hệ địa phương làm giấy khai sinh, gặp các thầy cô giáo để các con đến lớp. Con Súa và thằng Sính đi được vài ngày xin nghỉ vì các bạn ở lớp đều ít tuổi hơn, thấp hơn cả cái đầu mà học giỏi. Trước kia không được đến lớp, ngày ngày Sính và Súa theo bố mẹ đẻ đi làm thuê, lúc thì tỉa bắp, khi hái cà phê thuê… nên không được đến trường. Một lần, bố mẹ của Sính và Súa đi làm thuê ở một nơi xa bị tai nạn giao thông, hai đứa thành mồ côi giữa nơi xa lạ, cuộc sống vô cùng thiếu thốn. Tình cờ chỉ huy của anh đọc báo thấy được hoàn cảnh đã liên hệ địa phương nhận nuôi dưỡng.
Hàng ngày, trên con đường đất đỏ lầy lội mùa mưa, từ mờ sáng anh đã lóc cóc trên chiếc xe máy cũ chở từng bó rau, miếng thịt, thùng mì tôm, chai mước mắm về cho các con. Anh hướng dẫn Sính và Súa quét nhà, nấu ăn, giặt giũ quần áo… Lúc các con ăn sáng, anh không quên kiểm tra sách vở đồ dùng học tập ở mỗi cặp sách. Xong, chở đến trường. Nhiều hôm vội, quên cả ăn, quay vào đơn vị hướng dẫn sản xuất cho đồng bào. Cầm tay, chỉ việc cho từng người, làm sao cho người lao động hiểu được quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây để đạt năng suất, sản lượng cao, thu nhập ổn định. Khi bà con đã bắt tay sản xuất, anh quay về chuẩn bị bữa trưa để khi các con về có dịp kiểm tra lại bài học mà các con đã học ở trường.
Để có thêm thời gian, anh về ở cùng trong ngôi nhà “tình thương”. Buổi chiều, khi các con về, anh lại cùng thằng Sính, con Súa cuốc đất trồng rau, nuôi gà. Đêm, hướng dẫn các con học bài, xong mở sổ ghi công việc ngày mai của đơn vị. Khích lệ, biểu dương khi các con có kết quả tốt, anh ân cần dặn dò, chỉ bảo cách sắp xếp các vật dụng trong nhà, đồ dùng học tập sao cho vệ sinh, ngăn nắp, khoa học. Súa và Sính học tiến bộ dần.
Cấp trên tạo điều kiện để anh đi học thêm nhưng khi chuẩn bị lên đường thì Sính và Súa đều bị sốt rét. Gác lại chuyện học tập để phát triển, anh xin ở lại chăm con. Trong cơn sốt, con Súa mơ, anh thấy nụ cười má lúm đồng tiền thật giống bé Hà. Bé Hà ở đầu làng, mồ côi cha mẹ từ lúc lọt lòng, Hoài rất thương. Gần hè năm ấy, Hoài chở bé Hà đi thi học sinh giỏi. Thi xong, hai cô trò về đến cây đa đầu làng. Chiếc xe tải lao tới cuốn hai cô trò vào gầm xe.
Anh lặng người bên di ảnh của Hoài. Anh và Hoài đã tính chuyện hè này về cùng một nhà sau bao năm chờ đợi. Lớn lên cùng một miền quê, cùng cắp sách trên đường làng. Anh lên đường nhập ngũ. Hoài vào trường sư phạm. Bao cánh thư, bao nhớ nhung chờ đợi. Giờ đây, chỉ còn di ảnh với mái tóc dài vương mùi hương bưởi cùng mùi khói nhang.
Cuộc sống dần trôi, bố con gắn kết nhau như ruột thịt. Anh xác định ở vậy nuôi hai đứa khôn lớn. Mười mấy năm sau, ngày con Súa lấy chồng, đi bên hai con chúc phúc, anh cảm ơn tất cả đã đùm bọc, giúp đỡ để có ngày hôm nay. Đến bàn nào anh cũng nhận được câu hỏi khi nào được mừng đám cưới của anh? Cuối dãy bàn cô Lài má ửng đỏ, thì thầm với anh: bộ đội là nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành anh nhỉ.
Mãi suy nghĩ, con đường quen thuộc mà mấy năm trước được đơn vị làm mới bằng bê tông đưa anh về ngôi nhà bên triền dốc. Vậy là thằng Sính đã trưởng thành, trở thành người lính.
Sau bữa cơm liên hoan hôm qua, mấy bộ bàn ghế, chén đũa con Súa rửa sạch xếp vào một góc đã được mang trả hàng xóm. Bộ quân phục của anh, bộ quần áo của thằng Sính phơi nghiêng nghiêng cùng mấy bộ đồ của con Hậu đung đưa theo chiều gió. Căn nhà được lau dọn sạch sẽ, thơm tho. Tiếng con Hậu cười khúc khích như có ai vui cùng.
- Con chào bố, em lên xe rồi hả bố? Con Súa từ trong nhà đi ra.
- Em lên xe cùng các bạn rồi, Hậu đâu con?
- Cháu trong nhà với bà ngoại rồi bố ạ!
- Bà ngoại nào? Vừa hỏi anh vừa bước vội vào nhà.
Cô Lài đi ra, đưa bé Hậu vào tay anh.
Chồng Súa xuất hiện, nhanh tay bấm hình trên điện thoại. Con Súa lấy điện thoại từ tay chồng, chìa tấm hình cho anh: Bố! Bà ngoại con Hậu đây, con thích hình này nhất. Bố và cô Lài vất vả nhiều rồi, chúng con đã lớn, trưởng thành. Chúng con muốn tấm hình này phóng lớn treo lên tường nhé!
Cô Lài cúi xuống, ngượng ngùng, mắt nhìn anh chờ đợi.
Anh chưa kịp trả lời, con Súa quay sang: Bố, bố vẫn nói nhiệm vụ nào người lính cũng hoàn thành mà, bố phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng gia đình hạnh phúc, bố và cô Lài về với nhau đi, cô Lài cũng chờ bố lâu rồi, từ ngày cô lên đây dạy học.
Nhiều người nói với anh xây tổ ấm với Lài, nhưng anh sợ Lài khổ khi lấy anh. Cuộc sống của người lính vất vả, đơn vị tin tưởng để anh nuôi thằng Sính, con Súa, anh đã dành nhiều thời gian, công sức để nuôi các con nên người và hoàn thành nhiệm vụ của người đội trưởng đội sản xuất. Nhiều lần anh nói Lài đừng chờ anh, Lài tìm người khác có điều kiện hơn, bởi anh biết xung quanh Lài có rất nhiều người quan tâm, theo đuổi.
Con Hậu trên tay cô Lài nhoài người sang, anh dang tay đón cháu. Chờ có thế, con Súa đẩy cô Lài vào. Hai bà cháu trong vòng tay, thơm mùi hương bưởi.
Ngoài sân, mặt trời lên đỉnh đầu, bóng cây xoài thành một vòng tròn mát rượi.
Truyện ngắn của Lê Quang Sáng (Báo Đắk Nông)