Báo xuân

Hành trình "Về với buôn làng": Cho đi bằng sự tử tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ưa xê dịch và khám phá những cung đường, những người bạn gặp nhau giữa miền Thượng, rồi bàn với nhau cùng làm gì đó cho vùng đất này để chuyến đi thêm ý nghĩa. Hành trình “Về với buôn làng” bắt đầu từ đó và được duy trì suốt 5 năm nay.

Họ là bạn bè từ khắp mọi miền đất nước, kết nối nhờ mạng xã hội. Mỗi người mỗi nơi và không cùng chung công việc. Nhưng khi đã lên chương trình, các thành viên “Về với buôn làng” lại cùng làm một chuyến trở về dù công việc cuối năm rất bận rộn. Dạo trên Facebook của hành trình thiện nguyện này, biết đoàn đang trên đường lên vùng núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum), tôi bèn “chặn” lại để có một cuộc gặp ngay tại Phố núi đầy sương.

Tấm lòng những người trẻ thị thành

Anh Nguyễn Thành Nhân-một thành viên của nhóm, người gắn bó với Tây Nguyên gần 1/3 thời gian mỗi năm-cho biết: Ngay từ đầu, khi nhóm chỉ mới có vài người tham gia thực hiện chương trình Trung thu đầu tiên tại ngôi làng cổ Kon Ktu (tỉnh Kon Tum), họ đã xem thiện nguyện là hoạt động cần thiết trong hành trình rong ruổi của mình. Cho đi, để cả 2 bên cho và nhận cùng có được niềm vui.

Các em học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (huyện Chư Sê) say sưa đọc sách. Ảnh: N.B


“Khi làm thiện nguyện ở Tây Nguyên, chúng tôi luôn nghĩ mình là một mảnh ghép, xem cái gì thiếu thì “biến thành” để ghép vào cho bức tranh hoàn chỉnh hơn. Những tấm lòng hướng về vùng đất này khi làm thiện nguyện cũng đừng copy, đừng tổ chức trùng lắp không cần biết người dân có cần không, cái mình cho có phù hợp không”-anh Nguyễn Thành Nhân chia sẻ.



Khi làm bất cứ chương trình nào ở miền núi Trường Sơn, đoàn luôn cử người khảo sát và tìm hiểu cặn kẽ nhu cầu thực tế của người dân địa phương để mang đến đúng những thứ họ cần. Trong từng túi quà nặng trĩu tấm lòng luôn có những tấm chăn ấm áp, những chiếc màn chống muỗi được đặt may kỹ lưỡng; những đôi ủng, dép tổ ong tiếp sức cho bà con đạp đá lên rẫy; mớ cá khô để dự phòng cho bữa ăn thêm mặn mà… Thấy người dân uống nước suối, nước giọt, họ lại rủ nhau hùn tiền làm hệ thống lọc nước uống dẫn nước từ núi cao về tới tận làng, đảm bảo vệ sinh và sức khỏe. Thấy tụi nhỏ đùm cơm đi học, họ lại bàn nhau mua cà mèn đến tặng để bữa trưa của các em ở trường thêm tươm tất. Vừa cuối thu, những người trẻ thị thành hối hả rủ nhau vận động kinh phí mua áo ấm mang lên vùng cao tặng học sinh và người dân với hy vọng nhóm lên đốm lửa sưởi ấm mùa đông lạnh giá giữa núi rừng Trường Sơn.

“Không là người bản địa, bằng cách nào các anh chị tìm được những địa chỉ xa tít, heo hút giữa núi rừng?”. Trước thắc mắc này, anh Nguyễn Thành Nhân “bật mí”: “Thói quen xê dịch, mê những cung đường nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn tôi đến những buôn làng xa xôi. Tại các điểm dừng, chúng tôi thường trò chuyện cùng người dân để hiểu thêm về vùng đất, con người bản địa. Thấy việc gì cần làm cho bà con thì ghi chép lại, hình thành một danh sách các địa chỉ và nhu cầu phù hợp với thực tế. Khi lên lịch thực hiện sẽ khảo sát lại lần nữa và liên hệ với chính quyền địa phương để nắm bắt thêm thông tin, tổ chức thực hiện. Sau mỗi chuyến đi như vậy, hành trình lại có thêm những thành viên mới là người bản địa tâm huyết, gắn bó. Đó là những người đi sát thực tế nhất, là cầu nối cho hành trình với địa phương”. Theo đó, hành trình “Về với buôn làng” đặt mục tiêu thực hiện 4 chương trình thiện nguyện mỗi năm và luân phiên giữa các tỉnh Tây Nguyên, tuy nhiên, hễ nghe ở đâu có những nhu cầu bức thiết thì họ lại lập tức tìm đến, nối dài danh sách, cũng là nối dài hành trình không có điểm dừng.

Trăn trở sau mỗi hành trình

Dù vậy, sau mỗi hành trình, trong lòng họ vẫn nặng những trăn trở khi thấy học sinh miền núi quá thiếu thốn và khó khăn trong hành trình tiếp cận với tri thức. Ngoài giờ học trên lớp, các em rất ít sách tham khảo để phát triển kiến thức và nuôi dưỡng tâm hồn. Thế là, mọi người lại vận động thêm kinh phí để mua hàng ngàn quyển sách và xin thêm từ các tủ sách gia đình mang lên cho các em.

Tại Gia Lai, chính ngôi trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (huyện Chư Sê) đã tạo được “cú hích” để hành trình “Về với buôn làng” có thêm động lực tiếp tục phát triển chương trình tặng sách cho học sinh. “Thấy thư viện trường trống hoác vì chưa có kinh phí mua sách, cả nhóm bàn nhau chở sách xuống tặng. Học sinh mừng rỡ, thầy cô vận động thêm Mạnh Thường Quân xây dựng không gian đọc sách trong nhà và ngoài trời cho học sinh. Gần đây nhất, nhà trường gọi điện thoại “khoe” thư viện của trường hiện là thư viện điểm của huyện”-thành viên Nguyễn Thanh Nhựt (sinh sống tại TP. Pleiku) chia sẻ với ánh mắt tràn ngập niềm vui.

Niềm vui của đồng bào Tây Nguyên khi có nước sạch-công trình được thực hiện bởi những tấm lòng thiện nguyện. Ảnh: N.B


Trong 5 năm hành trình “Về với buôn làng” đã có trên 25 chuyến thiện nguyện tại các tỉnh thuộc miền Trung-Tây Nguyên với giá trị mỗi chuyến khoảng 90-120 triệu đồng. Riêng trong năm 2018, tổng giá trị hành trình thực hiện tại các tỉnh là 500 triệu đồng và là năm đầu tiên làm thêm hệ thống nước sạch, thư viện lưu động tại Bắc Tây Nguyên.

Trong những ngày cuối năm, dù đã thực hiện xong chương trình của năm 2018 và hoạch định 4 chương trình cho năm 2019 trải dài khắp các tỉnh miền núi khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhưng một số thành viên vẫn ngược lên huyện cực Bắc Tây Nguyên là Đak Glei (tỉnh Kon Tum) để lắng nghe ý kiến từ nhà trường, học sinh và các cơ quan liên quan sau một tháng thực hiện dự án “Thư viện lưu động”. Trong đó, hành trình “Về với buôn làng” chịu trách nhiệm cung cấp nguồn sách, Huyện Đoàn tổ chức lập danh mục sách và luân chuyển giữa các trường Tiểu học, THCS, đặt thư viện tại mỗi trường trong thời gian một tháng.

Đối với học sinh dân tộc thiểu số, học tiếng Việt là một hành trình gian nan, đòi hỏi nỗ lực của cả thầy và trò. Vậy nhưng, nhiều khi ra khỏi lớp là chữ trả lại cho thầy. Vì thế, thư viện sách là kênh thứ 2 để các em tiếp cận với việc đọc và hiểu tiếng Việt, từ đó kích thích nhu cầu đọc sách, hình thành kỹ năng đọc để phát triển tri thức ngoài sách giáo khoa. Anh Nguyễn Thành Nhân cho biết: “Sau Kon Tum, Gia Lai là địa phương tiếp theo mà hành trình “Về với buôn làng” thực hiện mô hình thư viện lưu động trong năm 2019. Chúng tôi rất tâm đắc với chương trình này và mong muốn được mở rộng. Đây là mô hình đòi hỏi sự chuyên tâm của đơn vị phối hợp, do đó, cần tổ chức thành công và rút kinh nghiệm từ Đak Glei rồi mới nhân rộng, đảm bảo tính thiết thực, sử dụng đúng và hiệu quả kinh phí do các thành viên cùng các Mạnh Thường Quân đóng góp”.

 NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm